Tùy thuộc vào điều kiện môi trường sử dụng ô tô, mỗi bộ lọc cần được vệ sinh, thay mới theo định kỳ để góp phần giúp động cơ, hệ thống điều hòa… hoạt động ổn định hơn. Tuy nhiên, không phải tài xế nào cũng hiểu được tầm quan trọng cũng như thời gian cần vệ sinh thay thế các bộ lọc trên ô tô.
Cùng cafeauto tìm hiểu cách thay các bộ lọc cũng như cách tính thời gian hay hiện tượng gây ra hư hỏng để bạn kịp thời khắc phục.
Bộ lọc gió động cơ
Lọc gió thường đặt trong khoang động cơ, chi tiết này có vai trò lọc bụi bẩn trong không khí trước khi được đưa vào buồng đốt động cơ. Sau một thời gian sử dụng, bụi bẩn, hơi ẩm bám vào màng lọc, lấp đầy lỗ thông khí của bộ lọc. Nếu không được vệ sinh hay thay thế sẽ gây cản trở lượng không khí vào động cơ, dẫn đến hiện tượng sai lệch tỉ lệ hòa khí (nhiên liệu/không khí hay còn gọi là Air/Fuel) làm giảm công suất, xe mau hết xăng, nóng máy và gây muội than trong buồng đốt.
Tuy nhiên, cách sử dụng xe của mỗi người là khác nhau, dòng xe khác nhau, loại xe khác nhau thì tất nhiên việc bảo dưỡng, thay mới lọc gió ô tô cũng sẽ khác nhau. Vậy làm sao để biết đã tới lúc xe cần thay lọc gió?
Thứ nhất xe bỗng nhiên chạy hao xăng, tiếp theo là động cơ thường bị tắt đột ngột, công suất không ổn định và động cơ nhanh bị nóng.
Thế nên, theo khuyến cáo của các nhà sản xuất, người dùng ô tô nên chú ý vệ sinh định kỳ hệ thống lọc gió động cơ sau khi xe vận hành được 5.000 km. Với các xe đời cũ, thường xuyên sử dụng trong môi trường nhiều bụi bẩn, nên vệ sinh lọc gió sau 3.000 – 4.000 km và thay mới sau 15.000 km. Ngoài ra, bạn nên thường xuyên kiểm tra bộ lọc gió động cơ, nếu phát hiện bộ lọc bị rách, ẩm… nên thay thế bằng lọc gió mới.
Bộ lọc gió điều hòa
Tương tự như lọc gió động cơ, lọc gió điều hòa có vai trò lọc bụi bẩn, không khí ẩm trước khi đi vào khoang nội thất.
Trong quá trình sử dụng, bụi bẩn bám vào các màng lọc sẽ làm giảm lưu lượng gió hút vào điều hòa, gây ảnh hưởng đến các chế độ làm mát bên trong khoang nội thất. Bên cạnh đó, việc tiếp xúc với không khí môi trường bên ngoài thường xuyên khiến lọc gió bị ẩm mốc, tạo nên nhiều loại vi khuẩn.
Ngoài ra, với thời tiết và khí hậu tại Việt Nam là nơi cư ngụ tốt cho các động vật gặm nhấm như chuột, sóc. Các động vật này sẽ chui rúc vào các bộ lọc để sinh tồn và phá hoại màng lọc. Khiến không khí qua bộ lọc gió cuốn theo vi khuẩn, tạo mùi khó chịu khi vào khoang nội thất.
Với bộ phận này, người dùng ô tô nên chú ý kiểm tra vệ sinh sau khi sử dụng xe khoảng 5.000 km, đồng thời thay mới sau 20.000 km. Trong quá trình sử dụng, nếu phát hiện không khí đi qua điều hoà giảm, hệ thống quạt gió phát ra tiếng kêu hay mùi hôi khó chịu nên kiểm tra, thay thế lọc gió điều hòa.
Bộ lọc dầu động cơ
Bộ lọc dầu động cơ có 2 bộ lọc: thứ nhất là lọc thô và lọc tinh. Bộ phận lọc thô có chức năng lọc thành phần tạp chất có vật thể kích thước lớn từ cacte. Còn lọc tinh có chức năng lọc bụi bẩn cặn bã có kích thước nhỏ.
Bộ lọc dầu động cơ có cấu tạo nhỏ gọn nhưng đóng vai trò quan trọng trong việc lọc sạch cặn bẩn, tạp chất dầu nhớt, để đảm bảo cho việc bôi trơn các chi tiết bên trong động cơ.
Không giống như lọc gió, bộ lọc dầu động cơ không thể vệ sinh mà phải thay mới định kỳ sau một thời gian sử dụng. Hầu hết các sách hướng dẫn sử dụng, chăm sóc trên các mẫu ô tô, người dùng nên chú ý kiểm tra mức dầu động cơ và thay thế bộ lọc dầu sau 10.000 km.
Bộ lọc nhiên liệu
Bên cạnh lọc động cơ, lọc gió thì lọc nhiên liệu đóng vai trò rất quan trọng trên ô tô. Lọc nhiên liệu có chức năng lọc những bụi bẩn, tạp chất trước nhiên liệu đi vào động cơ.
Trong quá trình sử dụng, nếu bị bám cặn bẩn hay hư hỏng sẽ làm bộ lọc nhiên liệu bị tắc, dòng nhiên liệu đến các vòi phun bị chặn lại khiến động cơ khó khởi động, gây hiện tượng giật động cơ, xe vận hành không ổn định. Với những thành phần hỗn hợp có trong xăng cũng như tạp chất trong quá trình sử dụng, người dùng nên chú ý mang xe đến trung tâm chăm sóc ô tô để kiểm tra vệ sinh lọc nhiên liệu định kỳ. Sau quá trình sử dụng khoảng 40.000 km, nên thay mới lọc nhiên liệu.