Ngày 20/4, đại diện Bộ Công an đang đề xuất việc trừ điểm bằng lái xe trên hệ thống quản lý mỗi khi tài xế vi phạm giao thông và Luật Trật tự an toàn giao thông đang trình Chính phủ cho ý kiến.
Theo Đại tá Đỗ Thanh Bình, Cục phó CSGT cho biết, 12 điểm trong mỗi bằng lái tương ứng với 12 tháng, đây là tổng số điểm của một năm. Mức điểm được lấy theo một số nước ở trên thế giới đã áp dụng.
“Điểm không thể hiện trên giấy phép lái xe mà lưu trong hệ thống dữ liệu bằng lái, điểm trừ đối với người vi phạm sẽ được cập nhật ngay sau khi xử phạt. CSGT khi xử lý chỉ cần tra trên máy có thể biết tài xế còn bao nhiêu điểm”, đại tá Bình nói.
Bằng lái xe ô tô B11 hiện nay. |
Nếu hết số điểm thì GPLX sẽ không còn giá trị. Do vậy, tài xế muốn cấp giấy phép lái xe mới, phải học và thi trong thời gian ít nhất 6 tháng kể từ ngày giấy phép lái xe ô tô cũ hết hiệu lực.
Trong đó, Bộ Công an cũng quy định rõ các nhóm hành vi tương ứng với số điểm bị trừ, ví dụ vượt đèn đỏ sẽ bị trừ 6 điểm, lấn làn trừ 5 điểm… Đề xuất được kỳ vọng sẽ giúp các tài xế có ý thức chấp hành luật giao thông tốt hơn để duy trì điểm số bằng lái, tránh mất quyền lái xe.
Đối với các trường hợp vi phạm hành chính, người vi phạm ngoài bị phạt tiền và còn bị trừ điểm tương ứng với lỗi ghi trên biên bản, số điểm bị trừ sẽ được cập nhập lên hệ thống dữ liệu bằng lái.
“Biên bản chỉ ghi phạt tiền mà không ghi số điểm bị trừ sẽ không hợp lệ, qua đó để tránh tiêu cực với trường hợp tài xế đưa tiền để không bị trừ điểm”, đại tá Bình nói thêm.
Nhiều người đặt dấu hỏi, liệu biện pháp này có hiệu quả? Theo thống kê, một số nước có giao thông an toàn nhất thế giới như Anh, Đức, Pháp, Na Uy, Thụy Điển, Nhật Bản,… đều áp dụng phương thức phạt điểm này
Cách áp dụng hình phạt này cũng rất đơn giản và dễ hiểu. Nếu tài xế vi phạm một lỗi bất kỳ, ngoài hình phạt được quy định sẵn, tài xế còn bị trừ điểm trên bằng lái. Nếu quá 12 điểm tài xế bị treo bằng.
Nhiều người dân ủng hộ đề xuất mới, nhưng vẫn lo ngại về tính khả thi.
Các lỗi được quy định thành các nhóm lỗi với mức điểm trừ khác nhau. Ví dụ lỗi nhẹ như phanh xe, lốp xe không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn sẽ bị phạt 3 điểm, lỗi vượt quá tốc độ sẽ bị phạt từ 3 đến 6 điểm, lỗi gây tai nạn rồi bỏ chạy có thể bị phạt tới 10 điểm. Các điểm phạt này sẽ có thời hạn tồn tại trong vòng 4 năm. Người nào vi phạm quá 12 điểm trong vòng 3 năm sẽ bị treo bằng. Thời hạn treo bằng lần đầu là 6 tháng, lần thứ 2 là 1 năm và lần thứ 3 là treo bằng 2 năm.
Theo tin tức pháp luật, từ năm 2003 các cơ quan chức năng áp dụng biện pháp đánh dấu số lần vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ của lái xe bằng “bấm lỗ”. Theo đó, nếu giấy phép lái xe bị đánh dấu 2 lần vi phạm thì tài xế phải thi lại Luật Giao thông đường bộ khi đổi giấy phép lái xe; nếu bị đánh dấu 3 lần, giấy phép lái xe hết giá trị sử dụng, tài xế phải thi lại cả lý thuyết và thực hành để được cấp giấy phép mới.
Tuy nhiên sau 4 năm thực hiện, quy định này bị bãi bỏ. Bộ Công an cho rằng việc bấm lỗ trên giấy phép lái xe không thể hiện thời điểm vi phạm, bằng lái lem nhem thiếu thẩm mỹ. Ngoài ra việc bấm lỗ dễ phát sinh tiêu cực khi lái xe bị bấm lỗ nhiều thì tìm mọi cách “chạy” bằng lái mới.
(Nguồn ảnh: Internet)