Đảm bảo xế sạch, xế khỏe tự tin đón lễ
Theo kinh nghiệm chăm sóc và bảo dưỡng xe ô tô, các chuyến đi dài là một thách thức lớn đối với xe và tay lái. Vì vậy, chủ xe cần đảm bảo kiểm tra các chi tiết quan trọng sau nhằm đảm báo có chuyến đi xa tuyệt vời nhất và không gặp bất trắc giữa đường.
1. Ắc-quy
Hãy bật nắp ô tô để kiểm tra xem liệu ắc-quy, pin điện của xe còn đầy bình và các dây, chấu nối vẫn nằm trong điều kiện tốt (không có dấu hiệu rỉ sét, đứt dây, chuột gặm, biến dạng…). Sau khi đánh giá trực quan, tay lái nên khởi động xe để kiểm tra xe có nổ máy nhanh chóng hoặc cần đề xe nhiều lần thì động cơ mới hoạt động. Nếu thấy xuất hiện các dấu hiệu trên hoặc cảm thấy ắc quy xe gần hết tuổi thọ làm việc thì nên thay mới để đảm bảo xe hoạt động tốt trong chuyến đi.
2. Hệ thống đèn trên ô tô
Tiến hành kiểm tra tổng quát toàn bộ các thiết bị chiếu sáng trên xe. Không đơn thuần là khởi động xe và bật đèn pha, đèn hậu xem có hoạt động bình thường không. Hơn nữa, chủ xe còn phải lần lượt kiểm tra các loại đèn khác như đèn sương mù, đèn chạy ngày, đèn phanh và cả đèn báo rẽ không bị hư hỏng, nếu có phải thay mới. Ngoài kiểm tra kỹ thuật, chủ xe nên tập trung vệ sinh các bộ phận trên nhằm đảm bảo độ sáng và tầm nhìn, đặc biệt khi có kế hoạch chạy ban đêm hay vào sáng sớm.
3. Dầu xe
Một trong những thành phần rất quan trọng nhưng dễ bị bỏ qua khi tiến hành kiểm tra chất lượng xe. Theo đó, xe phải đảm bảo vẫn có dung tích dầu trong bình ở mức hợp lý và đặc tính nhớt của dầu phải còn phù hợp việc sử dụng cho xe. Với điều kiện thứ nhất, chủ xe có thể dùng que đo mức dầu để xác định liệu dung lượng dầu hiện có. Về chất lượng dầu, chủ xe nên quan sát khi kéo que lên. Nếu lượng dầu trong bình có độ nhớt tương tự như mật ong và không chứa nhiều tạp chất, vón cục. Nếu đáp ứng đủ tiêu chí trên thì chủ xe không cần thay dầu.
4. Nước làm mát
Xe vận hành đường dài sinh nhiệt rất cao, cộng với cái nóng khắc nghiệt sẽ có khả năng cao chết máy, quá nhiệt. Vì vậy, nước làm mát/dung dịch tản nhiệt có vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa tình trạng trên. Hãy đảm bảo châm đầy dung dịch làm mát trước chuyến đi và mang theo 1 bình dự trữ đề phòng trường hợp xe cạn nước làm mát giữa đường.
5. Phanh xe
Phanh xe hoạt động chính xác, nhạy bén và trơn mượt chính là vũ khí của tay lái để tránh các vụ va chạm có thể xảy ra khi người người cùng đi chơi ngày lễ. Do đó, đảm bảo chất lượng cùng tính năng hoạt động là điều thiết yếu cần làm, đặc biệt là khi tính mạng cùng sự an toàn của cả gia đình nằm trong tay chủ xe. Theo đó, chủ xe nên kiểm tra độ mòn của bộ phanh xe và tính nhạy bén của chân phanh. Tốt nhất, hãy đưa xe đến các trạm dịch vụ đáng tin cậy để khám tổng quát, đưa ra kết luận chi tiết về tình hình phương tiện.
6. Vỏ xe, ruột xe và áp suất bánh
Bánh xe không ổn định sẽ là một quả bom nổ chậm có thể làm hỏng hết kế hoạch của tay lái. Tệ hơn nữa, các dịch vụ ô tô sẽ ít làm việc trong ngày lễ nên chủ xe khó mà được hỗ trợ nhanh chóng. Vì vậy, tay lái ô tô nên kiểm tra kỹ càng vỏ lốp xe, đảm bảo chúng không bị nứt nẻ, mòn hoặc vẫn còn bám dị vật như đinh nhọn, vật bén. Ngoài ra, chủ xe nên bơm bánh, đảm bảo áp suất thích hợp để giảm nguy cơ bị xì, hỏng lốp. Cuối cùng, chủ xe nên chuẩn bị sẵn đồ nghề cùng bánh, lốp dự phòng để thay thế khi cần thiết.
7. Nhiên liệu
Nhiên liệu là yếu tố quan trọng khi đi xe đường dài, việc định trước vị trí các trạm đỗ xăng trên đường đi sẽ phần nào vơi bớt nỗi lo hết xăng của người lái. Tuy nhiên, để có thể đảm bảo niềm vui của bản thân và gia đình thì chủ xe nên đổ đầy bình trước khi khởi hành.
8. Vệ sinh xe
Đi chơi xa là 1 sự kiện quan trọng và hiếm có trong năm đối với người lái và gia đình. Vì vậy, chủ xe nên đảm bảo vệ sinh, làm sạch từ ngoại thất đến nội thất xe. Đặc biệt, nên lưu ý loại bỏ các mùi khó chịu bám trong xe do sử dụng hằng ngày như thuốc lá, mùi từ thức ăn… để đảm bảo chất lượng chuyến đi không bị ảnh hưởng
9. Bộ kít cứu chữa
Sự cố luôn có thể xảy ra cho dù chủ xe phòng chống hết cỡ. Vì vậy, việc trang bị bộ kít tự cứu chữa rất phù hợp với các chuyến đi dài. Theo đó, ngoài các công cụ như cờ lê, kềm… chủ xe nên mang theo các trang thiết bị như bộ nguồn ắc quy dự phòng, cáp nối dây, cầu chì xe, đèn chiếu sáng, bộ vá xe tiện lợi, dây thừng,….
10. Tự bảo trọng tinh thần và sức khỏe bản thân
Ngoài lưu ý về xe, chính người điều khiển xe là nhân tố quan trọng quyết định kết quả chuyến đi có như ý hay không. Vì vậy, phải đảm bảo sức khỏe tay lái khi thực hiện chuyến đi phải dồi dào, đầu óc tỉnh táo, không ngái ngủ. Nếu cảm thấy quá mệt mỏi thì nên dừng lại và nghỉ ngơi rồi hãy tiếp tục chạy. Hơn nữa, phải có sự chuẩn bị cùng kế hoạch kỹ càng trước khi thực hiện chuyến đi (đường đi, chặng nghỉ, đích đến, nơi đỗ xe…).