Nhưng để đạt được những bước tiến ở hiện tại và xa hơn thế nữa, loài ngoài đã phải bắt đầu từ những thứ thô sơ nhất. Tất nhiên, xe hơi cũng không phải là ngoại lệ. Trước khi được tự động hóa như ngày nay, chúng cần đến rất nhiều thao tác từ con người để có thể hoạt động. Đơn cử như việc khởi động một chiếc xe cũng đã trải qua cả một quá trình tiến hóa, trong đó sự can thiệp của con người đã giảm dần theo thời gian. Và qua mỗi thời kỳ, thao tác này lại thay đổi theo một xu hướng mới với điểm chung là ngày càng tân tiến hơn. Vậy hãy cùng điểm lại xem người dùng xe hơi đã phải gian nan như thế nào trước khi được sung sướng như bây giờ.
1. Trục tay quay
Trong những bộ phim lấy đề tài lịch sử, chúng ta có thể thấy nhân vật trong phim sử dụng một trục kim loại cắm vào động cơ rồi dùng tay quay để khởi động một chiếc xe. Đây là phương pháp nổ máy phổ biến trong giai đoạn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Nhìn thì có vẻ đơn giản và khá vắt sức, nhất là với những cỗ máy có dung tích lớn. Thậm chí, nếu chẳng may động cơ xảy ra hiện tượng backfire, trục tay quay có thể bị đảo chiều và gây ra một lực tác động lớn có thể khiến cơ thể bị thương tích.
Một trong những nạn nhân của sự cố này chính là Byron J. Carter – nhà sáng lập thương hiệu Motorcar (sau này là Cartercar) và là bạn của Henry Leland, người thành lập nên Cadillac và Lincoln. Thảm kịch xảy ra với bạn của mình đã tạo động lực để Leland tìm ra một giải pháp an toàn hơn để nổ máy xe.
2. Hệ thống khởi động bằng điện của Cadillac
Kỹ sư Clyde Coleman đã được trao bằng sáng chế cho hệ thống khởi động bằng điện vào năm 1903. Đột phá này giúp những chiếc xe, kể cả là loại loại có công suất lớn trở nên thân thiện hơn với người dùng. Vì Coleman không làm ô tô nên công trình của ông đã được bán cho Delco, một công ty về sau được GM mua lại. Trong khi đó, Charles Kettering – một kỹ sư của Delco cũng phát triển một hệ thống tương tự dựa trên công nghệ được phát triển cho máy đếm tiền hồi đầu những năm 1900.
Khi ấy, GM đã quyết định lựa chọn Cadillac làm ‘chuột bạch’ cho hệ thống nói trên thông qua model 1912 Touring Edition. Và sự kiện đó đã tạo nên một cuộc cách mạng thực sự trong ngành công nghiệp xe hơi. Ngay cả chiếc xe quốc dân Ford Model T cũng được trang bị hệ thống khởi động bằng điện. Dần dần, các hãng xe của châu Âu cũng tiếp nhận sáng kiến này nhưng vẫn duy trì trục tay quay như một phương án dự phòng.
3. Chìa khóa Cadillac
Hệ thống mô-tơ khởi động không chỉ giúp những chiếc xe được vận hành một cách dễ dàng hơn mà cũng dễ bị ‘luộc’ hơn. Thế nên, Cadillac đã nghĩ ra một giải pháp là dùng chìa khóa để đánh lửa trên model Type 53 (1916). Theo đó, tài xế sẽ phải tra khóa vào ổ rồi xoay đến đúng vị trí trước khi nhấn nút khởi động. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, người dùng xe hơi được trải nghiệm điều này. Sáng kiến trên sau đó cũng lan rộng với tốc độ nhanh chóng.
4. Khoảnh khắc lặng yên dành cho Rudolf Diesel
Rudolf Diesel đã tạo nên một loại động cơ mang tên mình và vẫn được sử dụng cho tới ngày nay. Chính Mercedes-Benz là người đã mở ra kỷ nguyên cho động cơ diesel khi đưa nó vào sản xuất hàng loạt. Ra đời vào năm 1936, 260 D là một chiếc xe hoàn toàn khác biệt khi không hề có bugi đánh lửa. Thay vào đó, động cơ của của 260 D sẽ nén hỗn hợp không khí-nhiên liệu để đốt cháy chúng. Nhưng nếu phải nổ máy trong điều kiện giá lạnh, bạn sẽ phải chờ cho bugi xông máy làm nóng xi-lanh đến một mức nhất định để hỗn hợp trên có thể bùng cháy. Và khi đó, người ta đã gọi khoảng thời gian chờ đợi này là khoảnh khắc lặng yên dành cho Rudolf Diesel.
5. Hệ thống đánh lửa của Chrysler
Bước tiến tiếp theo trong nỗ lực đơn giản hóa thao tác khởi động động cơ đến từ nhà Chrysler. Vẫn sử dụng đồng thời mô-tơ khỏi động và chìa khóa nhưng hãng này đã kết hợp chúng lại theo một cách tiện dụng hơn. Cụ thể, công tắc của mô-tơ được tích hợp ngay trên ổ khóa, người dùng chỉ việc cắm chìa khóa vào và vặn hơi quá một chút so với vị trí ‘on’ tiêu chuẩn. Khi máy được khởi động, chìa khóa sẽ tự động về đúng vị trí của mình. Trang bị này chính thức xuất hiện vào năm 1949 và được duy trì trong nhiều thập kỷ. Không chỉ gia tăng sự tiện lợi, công nghệ này còn được đánh giá cao về độ an toàn bởi những đứa trẻ sẽ không thể vô tình nổ máy do nghịch công tắc của mô-tơ.
6. Hệ thống khởi động tay kéo (pull-type) của Fiat
Fiat 500 1957 là một chiếc xe giá rẻ kế thừa nguyên lý khởi động của những người đi trước nhưng được biến tấu một chút. Theo đó, sau khi cắm chìa khóa và vặn sang vị trí on, người lái sẽ phải kéo một chiếc cần nhỏ nằm giữa hai hàng ghế trước để nổ máy. Cần gạt này được kết nối với một sợi cáp nằm bên dưới. Đầu kia của sợi các được gắn với một công tắc nằm trên mô-tơ khởi động.
7. Hệ thống khởi động từ xa
Vào giữa thập niên 80, một số nhà sản xuất ‘aftermarket’ đã bắt đầu bán ra các hệ thống khởi động từ xa dành cho xe hơi. Người dùng chỉ cần một cú bấm nút trên chìa khóa là xe tự nổ máy dù cho họ đang ở cách khá xa chiếc xe. Trong khi đó, các hãng xe hơi mãi về sau mới chịu tích hợp công nghệ này lên các sản phẩm của mình dù cho người tiêu dùng tỏ ra rất ưa chuộng hệ thống khởi động từ xa bởi sự tiện lợi của nó.
8. Chìa khóa thẻ của Renault
Renault trở thành nhà sản xuất xe hơi đầu tiên cung cấp hệ thống nút bấm khởi động cho thế hệ thứ 2 của model Laguna vào năm 2001. Trong đó, chìa khóa của xe mang hình dạng của một chiếc thẻ tín dụng. Để sử dụng, người lái chỉ cần đặt chiếc thẻ này vào một khay trên bảng điều khiển trung tâm. Khi chiếc xe nhận ra được chìa khóa, họ chỉ cần ấn nút trên táp-lo để khởi động động cơ.
9. Chìa khóa đỏ của Dodge
Dodge cung cấp cho các khách hàng khi mua Charger hoặc Challenger Hellcat hẳn hai chùm chìa khóa. Nếu nổ máy bằng chìa khóa màu đen, công suất của khối động cơ V8 sẽ bị giới hạn ở mức 500 mã lực. Còn nếu dùng chìa khóa màu đỏ, con quái vật mới thực sự hiện nguyên hình với đầy đủ sức mạnh.Bugatti cũng lựa chọn một gairi pháp tương tự để giới hạn tốc độ của siêu phẩm Chiron.
10. Khởi động bằng giọng nói
Vào năm 2016, Hyundai đã bắt tay với Amazon để triển khai hệ thống trợ lý ảo trên những chiếc xe của hãng này. Sau khi hoàn tất các bước cài đặt cần thiết người dùng có thể ra lệnh cho Alexa khởi động chiếc xe của mình thông qua điện thoại thông minh. Ngoài ra, họ cũng có thể ra lệnh cho Alexa điều chỉnh sẵn nhiệt độ trong xe hay khóa/mở khóa từ xa. Còn đến năm nay, thương hiệu xe hơi Hàn Quốc lại công bố một dự án hợp tác tương tự với Google để khai thác các tính năng của Google Assistant.
11. Chìa khóa kỹ thuật số của Volvo
Cũng trong năm 2016, Volvo đã trình làng công nghệ chìa khóa kỹ thuật số Digital Key dựa trên công nghệ Bluetooth. Với trang bị này, người dùng không cần phải mang theo chìa khóa xe mà vẫn có thể nổ máy thông qua smartphone của họ. Không dừng lại ở đó, các chủ xe có thể chia sẻ chìa khóa của mình với những người khác một cách tức thì dù đang ở xa ngàn dặm.
12. Nổ máy kiểu Tesla
Những chiếc sedan Model 3 của Tesla không đi kèm với chùm chìa khóa quen thuộc. Thay vào đó, người chủ của chúng được cung cấp một chìa khóa dạng thẻ. Nhưng đây không phải là một tấm thẻ bình thường mà là một chiếc thẻ toàn năng. Ví dụ như để mở khóa, bạn chỉ việc cho nó tương tác với phần trung tâm của cột B bên phía ghế lát. Còn nếu muốn khởi động chiếc xe, người dùng chỉ cần đặt tấm thẻ lên trên phần giá đựng cốc và nhấn phanh.
13. ‘Touch ID’ của Hyundai
Nếu như Apple có Touch ID thì Hyundai cũng có hệ thống cảm biến vân tay của riêng mình. Tất nhiên là trên những chiếc xe hơi. Công nghệ này đã hoàn tất quá trình thử nghiệm và sẵn sàng để được thương mại hóa. Người dùng sẽ không cần phải mang theo chìa khóa, thay vào đó họ chỉ cần dùng chính ngon tay của mình để mở khóa cửa cũng như nổ máy nhờ các cảm biến được tích hợp trên tay nắm cửa cũng như nút bấm khởi động.
Không chỉ tiện lợi, đột phá này còn được đánh giá cao ở khả năng đảm bảo an ninh bởi không tên trộm nào có thể lẻn vào trong xe. Tại một số thị trường, Hyundai sẽ chính thức cung cấp cảm biến vân tay như một tùy chọn dành cho dòng SUV Santa Fe. Ngoài Hyundai, chính Apple cũng đang theo đuổi công nghệ cảm biến vân tay dành cho xe hơi.
14. Chìa khóa hoàn hảo của Bosch
Tại sự kiện công nghệ CES 2019, Bosch – một nhà cung ứng tên tuổi trong ngành công nghiệp ô tô đã chính thức ra mắt công nghệ Perfect Keyless. Bosch tuyên bố rằng chiếc chìa khóa thông minh của họ tỏ ra an toàn và tiện dụng hơn so với các hệ thống keyless entry phổ biến hiện nay. Cụ thể, Perfect Keyless lưu giữ một chìa khóa dạng số ngay bên trong smartphone. Khi người dùng tiếp cận chiếc xe, các cảm biến trên xe có thể nhận ra các tín hiệu từ điện thoại được gửi qua đám mây. Khi đó, cửa xe sẽ được mở ra. Đồng thời, chiếc điện thoại cũng chính là chìa khóa để nổ máy.