Vay mua ô tô – Mảng khai thác đầy tiềm năng đối với các ngân hàng
Theo những người có kinh nghiệm sử dụng ô tô, nhu cầu đi lại của người dân càng ngày càng tăng kéo theo việc người dân mặc định ô tô là phương tiện giao thông phổ biến. Ô tô không chỉ là phương tiện phục vụ nhu cầu đi lại của cá nhân, gia đình mà còn là công cụ thiết yếu cho loại hình kinh doanh dịch vụ. Chưa kể, một số doanh nghiệp muốn đầu tư, mua sắm các loại xe tải, xe khách, xe chuyên dụng… để làm phương tiện vận chuyển, thúc đẩy hoạt động kinh doanh và mở rộng quy mô doanh nghiệp.
Cho vay mua ô tô, nhiều ngân hàng chấp nhận lao vào rủi ro
Số liệu thống kê của hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, chỉ tính riêng năm 2018, người Việt đã sắm gần 270.000 xe ô tô, tăng mạnh so với năm liền trước. Trong quý I/2019, mức tiêu thụ của ngành ô tô đạt 73.297 xe, tăng khoảng 25% so với cùng kỳ năm 2018.
Những con số thống kê mới đây cho thấy, thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam đã được cải thiện nhanh chóng trong suốt 5 năm qua. Đây cũng là tiền đề để các nhà hoạch định chính sách tin rằng nhu cầu sở hữu ô tô vẫn duy trì ở mức cao trong năm 2019 này và tăng mạnh mẽ trong những năm sau nữa. Thế nhưng, việc huy động một khoản tiền lớn mua xe là điều không đơn giản đối với những người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp. Các ngân hàng đã nhận thấy điều này và không ngại đẩy mạnh vốn tín dụng cho mảng này.
Cơ hội lớn đi kèm với rủi ro cao
Cho vay mua ô tô là một phân khúc đầy tiềm năng nên việc đưa ra mức lãi suất cạnh tranh thể hiện sự quyết liệt trong việc giành giật thị phần giữa các ngân hàng. Thế nhưng, sau một thời gian, khi dư nợ cho vay bắt đầu phình to, nhiều ngân hàng bắt đầu chật vật xử lý nợ quá hạn.
Người vay mua ô tô phải thế chấp giấy đăng ký gốc cho ngân hàng và họ được quản lý tài sản đảm bảo (TSĐB). Điều đó tạo ra lỗ hổng, nhiều khách hàng đem ô tô đã thế chấp cho ngân hàng đi cầm cố chỗ khác mà ngân hàng không biết.
Đại diện một ngân hàng chia sẻ, ngân hàng của họ đang tồn tại gần 50% nợ xấu do khách hàng đem TSĐB đi cầm cố ở các nơi khác, đặc biệt là cửa hàng cầm đồ.
Để giải quyết triệt để trường hợp này, ngân hàng phải phối hợp với các bên liên quan để xử lý TSĐB. Nếu các bên đi đến thống nhất chung thì vấn đề dễ giải quyết, còn không, ngân hàng và bên cầm đồ phải ngồi thỏa thuận để cùng tìm ra giải pháp tối ưu. Thế nhưng, không phải lúc nào, chủ cửa hiệu cầm đồ cũng sẵn sàng tiếp đón ngân hàng. Chưa kể, nhiều khách hàng đã trốn mất tăm khi gặp khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng.
Phía ngân hàng không thể chi thêm tiền để giải cứu TSĐB từ hiệu cầm đồ. Cho nên, giải pháp ưu tiên hàng đầu là tất toán khoản vay trước, bên cầm đồ có thể tự do thanh lý tài sản với đầy đủ giấy tờ. Tất nhiên, giải pháp này nhiều khi không thành công, do giá trị thế chấp, cầm cố trong một số trường hợp lớn hơn rất nhiều so với giá trị TSĐB.
Hầu hết các ngân hàng cho vay ở mức 80-100% giá trị xe. Cửa hàng cầm đồ cho khách hàng cầm cố tiếp với 20-30% giá trị xe, dẫn đến thực tế là giá trị hai khoản vay cao hơn giá trị TSĐB, không kể xe bị mất giá theo thời gian và tình trạng sử dụng.
Số liệu thống kê của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), VIB, Techcombank, Shinhan Bank, TPBank và VPBank là 5 ngân hàng giữ thị phần lớn nhất trong mảng cho vay mua ô tô. Trước áp lực cạnh tranh, các ngân hàng buộc phải hạ lãi suất và tăng tỷ lệ giải ngân dựa trên đánh giá về giá trị xe, rút ngắn thời gian thẩm định, điều đó dẫn tới nhiều hệ lụy.
Đại diện một ngân hàng cho biết, quy trình xử lý TSĐB là xe ô tô đơn giản hơn so với bất động sản nên dễ phát sinh nợ xấu. Ngân hàng này đã từng mất 2 tháng để lần ra dấu vết của chiếc xe đang thế chấp. Sau khi tìm được tài sản đảm bảo, việc thanh lý xe không dễ dàng do khách hàng được duyệt vay tối đa 85% giá trị xe nhưng suốt quá trình sử dụng đã thế chấp nhiều lần, giá trị xe chỉ còn 50-60% so với lúc đầu.
(Nguồn ảnh: cafeauto.vn)