Câu hỏi từ bạn Hoài Anh – Nghệ An
Trả lời:
Điều 28, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định tải trọng và khổ giới hạn của đường bộ 2008 có quy định như sau:
“1. Người điều khiển phương tiện phải tuân thủ các quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ và chịu sự kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền.
2. Trường hợp đặc biệt, xe quá tải trọng, quá khổ giới hạn của đường bộ, xe bánh xích gây hư hại mặt đường có thể được lưu hành trên đường, nhưng phải được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền cấp giấy phép và phải thực hiện các biện pháp bắt buộc để bảo vệ đường bộ, bảo đảm an toàn giao thông”…
Theo quy định nêu trên, người điều khiển phương tiện phải tuân thủ quy định về tải trọng. Người điều khiển phương tiện muốn chở quá tải trọng phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Trường hợp người điều khiển ô tô tải, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vận chuyển hàng hóa vi phạm quy định về vận tải đường bộ chở hàng quá tải 69% bị xử phạt theo quy định tại Khoản 6, Điều 24, Nghị định 46/2016/NĐ-CP hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt: “Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) chở hàng vượt trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 50% đến 100%”.
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm nêu trên còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng (Khoản 9, Điều 24, Nghị định 46/2016/NĐ-CP) và khắc phục hậu quả, buộc phải hạ phần hàng quá tải, dỡ phần hàng vượt quá kích thước quy định theo hướng dẫn của lực lượng chức năng tại nơi bị phát hiện vi phạm.
Câu hỏi được tư vấn bởi Luật sư Đặng Thành Chung
Công ty Luật An Ninh (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội)