Bị hớ vì không kiểm tra kỹ
Chiếc xe máy đã hỏng nặng sau nhiều năm sử dụng. Tính tậu một chiếc mới chạy cho đỡ khổ khi đi làm. Anh hàng xóm thấy vậy nhường lại cho con xe đã qua sử dụng. Thấy còn tốt và giá cũng rẻ nên xuống tiền mua ngay.
Bận công tác đi xa một thời gian, quay về làm thủ tục thì mới tá hỏa khi nghe cơ quan chức năng thông báo là không hợp lệ. Hóa ra, chiếc xe máy của anh hàng xóm không phải là chính chủ, cũng mua lại từ người khác.
Mà khổ nổi là bấy lâu nay cũng không làm thủ tục sang tên đổi chủ gì. Giờ chủ nhân đầu tiên của chiếc xe đã ra nước ngoài định cư. Việc tìm kiếm như mò kim đáy biển. Thế là mất công chạy tới chạy lui, công chứng giấy tờ, chờ đợi kết quả. Vừa mất công vừa tốn kém mà chẳng được gì.
Lò mò lên mạng tìm hiểu thì càng cay đắng hơn khi biết quy định của pháp luật hiện nay đòi hỏi chủ phương tiện mua bán, chuyển nhượng sang tên chủ mới đều phải đến gặp chủ đứng tên trên giấy chủ đăng ký xe, để làm thủ tục mua bán xe (có công chứng), sau đó đến cơ quan CSGT để làm thủ tục sang tên. Nói cách khác, nếu không tự tìm được chủ cũ thì không thể sang tên xe, đăng ký chủ quyền xe được.
Đây là hành vi vi phạm các quy định liên quan đến giao thông đường bộ được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 30 Nghị định 46/2016. Theo đó, phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy không làm thủ tục sang tên xe theo đúng quy định.
Vậy là mua xe để chạy không thấy đâu, chỉ thấy đắp chiếu ở nhà. Vừa mất tiền, vừa có thể bị phạt do vi phạm quy định.
Nắm vững 5 thủ tục sau để tránh rắc rối
Đầu tiên, hảm đảm bảo một điều chắc chắn rằng người bán cho bạn là chính chủ của xe. Hãy kiểm tra thật kỹ thông tin này nếu không muốn gặp rắc rối. Trường hợp, nếu nhờ người khác thì chủ xe phải làm Giấy ủy nhiệm và được địa phương xác thực.
Hãy chuẩn bị những giấy tờ cần thiết liên quan như giấy tờ xe bản chính, CMND, hộ khẩu. Một số nơi sẽ đòi hỏi có thêm Giấy xác nhận độc thân nếu chưa lập gia đình, hoặc giấy đăng kí kết hôn để loại trừ tranh chấp dân sự về sau (đối với bên bán xe). Với bên mua xe cũng cần chuẩn bị CMND, hộ khẩu, tiền mua xe và lệ phí sang tên xe.
Sau đó, đảm bảo công chứng hợp đồng mua bán xe. Việc này sẽ do các Phòng công chứng quản lý. Họ sẽ có nhiệm vụ xác nhận hợp đồng này giữa 2 bên có giá trị, và thu một khoảng phí dựa trên % giá trị chiếc xe được mua bán. Hợp đồng sẽ được làm thành 3 bản chính, mỗi bên giữ 1 bản.
Bên bán sẽ giao cho bên mua các thứ như giấy đăng kí xe, hồ sơ gốc của xe, hợp đồng mua bán xe. Vì vậy cần phải tiến hành rút hồ sơ gốc trong trường hợp cả hai ở 2 tỉnh khác nhau (cùng tỉnh thì không cần).
Sau khi đã hoàn tất các giấy tờ thủ tục liên quan đến vấn đề sở hữu thì bạn phải đóng thêm 1 lần thuế trước bạ cho chiếc xe nếu thực hiện sang tên đổi chủ. Nó sẽ được xác định bằng 1% giá trị xe sau khi đã khấu hao theo thời gian.
Cuối cùng, bạn phải đến công an giao thông nơi mình sinh sống để nộp tờ khai đăng kí xe máy, mô tô đi kèm với các giấy tờ kể trên. Sau khi kiểm tra xong, bây giờ bạn có thể thoải mái sở hữu chiếc xe máy mà không phải bận tâm các vấn đề liên quan.