Chính vì thế nên nhiều người dù có lòng tốt những cũng rất dễ vướng họa vào thân. Vậy làm cách nào để lòng tốt của mình vẫn được thực hiện những bản thân vẫn an toàn?. Dưới đây là những kinh nghiệm mà CafeAuto gửi đến độc giả để giải quyết trong những trường hợp gặp người bị nạn.
1. Quan sát tình hình
Không phải cứ gặp người bị tai nạn giao thông là bạn cứ ào ào xông tới giúp đỡ họ. Điều này cũng rất tốt nhưng mà rủi ro lại càng cao hơn. Đơn cử như bạn vội vàng tham gia vào hiện trường cũng sẽ khiến nhiều người lầm tưởng bạn là chủ nhân gây ra vụ việc. Dẫn đến những tình huống không đáng có tiếp theo.
Chưa kể, vì không quan sát xung quanh có thể khiến bạn bị các phương tiện ở đằng sau đụng phải, gây nguy hiểm cho bản thân. Ngoài ra, kẻ trộm có thể lợi dụng sơ hở của bạn mà trộm xe hoặc những đồ vật bạn để bên trong.
Vì vậy, bạn nên bình tĩnh ngồi trên xe quan sát, nắm bắt tình hình xem có thực sự cần giúp đỡ nạn nhân hay không. Việc này cũng giúp bạn xác định được những sự việc có thể diễn ra tiếp theo để đưa ra các quyết định đúng đắn. Nếu xác định có thể giúp đỡ, bạn nên cân nhắc đưa xe đậu vào khu vực an toàn như lề đường. Khóa cửa xe cẩn thận rồi tiến tới nạn nhân giúp đỡ.
2. Lưu lại hình ảnh hiện trường
Sau khi đã tiếp cận nạn nhân, tùy vào mức độ khẩn cấp để giải quyết. Nếu trường hợp nhẹ, bạn có thể giúp họ di chuyển vào vị trí an toàn, tránh gây cản trở giao thông cũng nhưu xảy ra các vụ việc không đáng có như bị xe khác đâm vào. Nếu trường hợp quá nặng, bạn phải ngay lập tức gọi điện cho cấp cứu, không được tự tiện di chuyển nạn nhân.
Tuy nhiên, trước khi làm những việc ấy, bạn nên lưu lại hình ảnh hiện trường để làm bằng chứng cho bản thân khi cơ quan chức năng hỏi đến, tránh những rắc rối phiền hà. Ngoài ra, nhiều trường hợp có thể giúp đỡ nạn nhân minh oan hoặc thắng trong các cuộc tranh chấp sau đó.
3. Hỗ trợ sơ cứu
Bạn có thể sơ cứu cho nạn nhân trong khi chờ xe cấp cứu đến, nhiều trường hợp nạn nhân được cứu sống nhờ sự nhanh tay của người qua đường. Tất nhiên, điều này chỉ nên áp dụng khi bạn được trang bị đầy đủ kiến thức sơ đẳng và kinh nghiệm về cấp cứu tai nạn giao thông. Còn nếu không thì đôi khi bạn càng làm cho chấn thương của nạn nhân thêm nghiêm trọng.
Đặc biệt, nếu nạn nhân bị chấn thương đầu, bụng, gãy đốt sống cổ…, nếu tự ý di chuyển nạn nhân không đúng cách, có thể dẫn đến nguy cơ bị liệt toàn thân hoặc tử vong. Nếu như nạn nhân đang bị sốc, choáng hoặc mất nhiều máu cần phải đặt nằm bất động một chỗ, sau đó kiểm tra đường thở trước khi quyết định sơ cứu tại chỗ hay đưa đến bệnh viện.
4. Bảo vệ tài sản cho nạn nhân
Một số người vô tâm đến mức thường hay lợi dụng người khác gặp nạn tiến hành trộm cắp đi tài sản của họ. Trong đó nhiều nhất phải kể đến đó là các vụ mất xe, ví hay trang sức. Kẻ gian lợi dụng sự chú ý của người đi đường vào nạn nhân mà tiến hành trộm đi tài sản của họ. Hoặc tự nhận là người thân của nạn nhân để chiếm tài sản. Vì vậy, bạn nên giúp đỡ bằng cách trông giùm tài sản cho họ như cất giữ giùm chìa khóa xe hoặc gửi cho những nhà dân gần đó.
5. Hỗ trợ trong việc làm chứng
Nếu có thời gian, bạn nên cân nhắc giúp đỡ họ trong việc làm bằng chứng trước cơ quan pháp luật. Những thông tin mà bạn chứng kiến hoặc lưu trữ có thể giúp phát hiện ra người gây ra tai nạn rồi bỏ trốn. Hoặc là bằng chứng minh oan cho người bị nạn trong các cuộc tranh chấp sau đó.
Đáng chú ý, bạn cũng nên cân nhắc việc tiếp xúc với người thân của nạn nhân để tránh những phiền phức do hiểu lầm. Đôi khi bạn cũng nên thông cảm cho những người này vì họ rơi vào tình trạng bất ổn, hoảng loạn tinh thần do người thân của mình gặp nạn.
Trên đây là những kinh nghiệm dành cho mọi người khi gặp người bị tai nạn giao thông. Bạn có thể cân nhắc để đưa ra những quyết định đúng đắn, vừa có cơ hội thực hiện lòng tốt của mình và tránh gây ra những hậu quả cho bản thân cũng như người bị nạn.