Khi xe ô tô bỗng dưng bốc cháy, nếu xử lý kịp thời bạn hoàn toàn có thể khắc phục thiệt hại đến mức thấp nhất.
Trong thời gian qua, thông tin về những chiếc xe ô tô bốc cháy xuất hiện rộng rãi từ TV cho đến các trang mạng xã hội. Đây là điều gây tâm lý bất lợi với tất cả mọi người, nhất là những chủ xe ôtô. Và có một sự thật hiển nhiên, dù xe cũ hay xe mới thì khả năng đối mặt với cháy nổ đều như nhau. Trước khi tìm hiểu về cách giải quyết khi rơi vào tình trạng xe ôtô bốc cháy, bạn cần phải biết những lý do dẫn đến việc này, cũng như những điều chúng ta có thể thực hiện nhằm hạn chế sự việc xảy ra.
Những guyên nhân phổ biến dẫn đến xe ô tô bốc cháy
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự cố này, có thể kể đến như do va chạm với các phương tiện công cộng khác, nhiệt độ xe bất thường, xăng dầu bị rò rỉ… Nhưng trước tiên, hãy điểm qua các vấn đề thường gặp được liệt kê dưới đây.
Chập điện
Đây được xem là nguyên nhân thường thấy trong các vụ nổ cháy xe ô tô. Khi xe có dấu hiệu chập điện, tia lửa điện được phóng ra, ngọn lửa sẽ nhanh chóng bùng lên nếu như gặp ngay các đồ vật dễ cháy, dù có diện tích hay dung tích nhỏ.
Bình nhiên liệu có vấn đề
Bình chứa nhiên liệu để đến được buồng đốt phải đi qua một hệ thống đường ống khá phức tạp, bao gồm nhiều điểm tiếp xúc và điểm nối. Theo dòng thời gian, các ống này sẽ bị xuống cấp, mòn, rò rỉ… gây hở. Nhiên liệu từ đó chảy ra ngoài, bám vào thành động cơ và lan tỏa dần xuống khoang máy. Khi xe vận hành đã lâu, nhiệt độ trong khoang thường sẽ lên cao, chưa kể đến khi có tia lửa điện vô tình chập qua sẽ khiến xe dễ dàng bốc cháy.
Sai sót từ hãng sản xuất
Một trong những lý do hy hữu khác, đó có thể từ hãng sản xuất của xe. Ví dụ như ốc vặn không kĩ, đầu nối bị hở, lớp vỏ cách điện dây dẫn bị mòn… đều có thể dẫn đến việc xe tự dưng phát cháy.
Hệ thống đánh lửa
Dây cao áp của bộ phận đánh lửa được đánh giá là khá “nhạy cảm” ở khu vực khoang xe. Hệ thống này cũng dễ gặp vấn đề khi dùng lâu ngày và nguy hiểm hơn nếu bạn thay thế bằng loại chất lượng thấp. Nhiệt độ cao, áp lực điện tải, đường dây cao áp dễ bị rạn nứt và “nhóm lửa” cho các đồ dùng bằng cao su hay nhựa gần đó.
Động cơ ở nhiệt độ cao
Đây cũng có thể là nguyên nhân bắt nguồn việc xe ô tô bốc cháy. Nếu nhiệt độ động cơ vượt quá mức thông thường, thì cũng như các trường hợp kể trên, các chất dễ cháy trên xe sẽ là “nguyên liệu” hoàn hảo để gây cháy.
Dây dẫn và các thiết bị kém chất lượng
Nếu như dây dẫn và các thiết bị không đạt chất lượng theo yêu cầu, thì vấn đề công suất cũng gây nên hậu quả khôn lường. Đã không ít trường hợp xe bị cháy hết cụm đèn pha do sử dụng loại đèn siêu sáng của Trung Quốc. Loại bóng này tỏa nhiệt cao, hoạt động công suất lớn trong khi hệ thống của xe được thiết kế vận hành theo công suất ngược lại. Việc làm này tưởng nhỏ nhưng hóa ra lại không nhỏ khi không chỉ làm cháy cụm đèn mà còn làm hư hại hệ thống dây dẫn và chiếu sáng, tệ hơn là gây chập điện.
Quấn máy phát/máy đề
Máy phát hay còn gọi là máy đề khi quấn lại ở những nơi không rõ thông tin hay giá thành rẻ, cũng dễ “tích tụ” những hư hỏng trong quá trình bạn dùng xe. Bạn thử nghĩ, làm sao xe có thể chạy an toàn khi đã qua xử lý kỹ thuật tay nghề kém cùng nguyên liệu giá thành rẻ mạt? Câu trả lời tất nhiên là không rồi! Trong mọi trường hợp, khi xe có vấn đề vẫn nên được đem đến các trung tâm uy tín.
Chuột
Chuột? Nghe tưởng chừng vô lý, nhưng trên thực tế vào mùa lạnh, chuột sẽ có xu hướng tìm vào những nơi ấm làm ổ. Bên trong động cơ xe là một địa điểm lý tưởng cho chuột “hành nghề”. Thói quen cắn phá dây từ loài động vật này, vô tình gây nên sự rò rỉ và việc cháy nổ là điều thiết yếu xảy ra.
Các chất gây cháy nổ
Và dĩ nhiên những chất dễ gây cháy nổ như bật lửa, hóa chất, bình ga… cũng không tránh khỏi trong bảng danh sách nguyên nhân khiến ô tô bốc cháy. Thói quen nhỏ nhặt để vật dụng trong xe mà không bảo quản cho tiện dùng khi cần, vô tình lại gây hại. Đối với các hóa chất hay dung dịch dạng lỏng, bạn nên cất trong hộp xốp kín để cách nhiệt. Ngoài ra, nếu là người hay hút thuốc, bạn hãy chú ý tránh để tàn thuốc rơi rớt trên xe.
Các bước xử lý khi xe ô tô bất ngờ bốc cháy
Khi đang trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan” này, bạn cần cố gắng thực hiện theo các gợi ý dưới đây để mang đến sự an toàn cho chính mình hay những người khác có trong xe.
- Bình tĩnh
Bình tĩnh về mặt tinh thần sẽ giúp bạn đưa ra những phán đoán cần thiết, xác định những việc cần làm và nhận thức tình hình trong, ngoài xe như thế nào.
- Dừng xe
Nếu như đang lái xe, bạn phát hiệu có lửa hay ngửi thấy mùi khói, bạn nên cho xe đỗ ở nơi lề đường, hạn chế nhiều người hay chất dễ cháy. Trong trường hợp có thể khóa bình xăng, tắt khóa điện thì hãy thực hiện thao tác này.
- Dập lửa
Dù dập lửa được ít hay nhiều thì cơ hội sống của bạn sẽ tăng cao, nếu như bạn thực hiện đúng cách. Hãy dùng đến cát, bao tải, vải thấm nước, bình chữa cháy… đã được trang bị trước đó trong xe.
- Xác định vị trí cửa xe
Lúc này, việc thoát ra ngoài là điều quan trọng nhất. Bạn hãy nhanh chóng mở dây an toàn, tìm vị trí mở cửa xe để thoát thân. Trong trường hợp cửa bị kẹt, phá vỡ kính xe là lựa chọn dành cho bạn. Để phá vỡ kính, bạn hãy dùng búa chuyên dụng, các vật dụng nhọn, cứng hay cùi chỏ. Có một điều bạn nên nhớ hãy bịt mũi, miệng của mình để tránh việc ngạt thở, giữ thể trạng cơ thể tốt nhất để ra ngoài xe. Bên cạnh đó, bạn nên luôn mang theo một chai nước và khăn để cứu nguy cho mình trong những tình huống như thế này.
- Tìm người trợ giúp
Khi đã thoát được ra ngoài, bạn hãy giúp đỡ cho những người còn ở trong xe có thể ra ngoài (nếu có). Việc làm bạn hãy quyết định nhanh, đừng chần chừ. Bởi lẽ, tốc độ cháy lan nhanh từ những vật liệu có sẵn trong xe. Sau đó, hãy chạy xa khỏi xe để tránh những thương tổn từ sức nóng, nguy cơ cháy nổ và gọi điện cho các đơn vị cứu hỏa, y tế và công an.
- Các lưu ý khác
Đối với ôtô bị cháy khi đang di chuyển trên đường, người lái cần tắt ngay khóa điện. Vì hành động này sẽ ngưng việc bơm xăng của động cơ. Nếu bạn mở nắp capo, hãy chắc rằng phải thận trọng và có trong tay bình chữa cháy. Còn với xe ô tô bị cháy ở trong các bãi như bãi giữ xe, ga ra, bạn cần liên hệ tới đơn vị phòng cháy chữa cháy và khởi động hệ thống báo cháy nếu có của khu vực đó. Tiếp đến, hãy cách ly các phương tiện gần đó với xe đang cháy và tiến hành dập cháy.
Những điều cần làm để hạn chế xe ô tô xảy ra cháy nổ
Các gợi ý dưới đây sẽ giúp bạn hạn chế mối nguy hại cháy nổ của xe ô tô. Bạn hãy điểm qua các mục được liệt kê nhé!
- Không tự ý thay thế phụ kiện, nhiên liệu
Dù rằng các nhiên liệu, thiết bị có giá thành rẻ hơn so với hàng chính hãng, bạn cũng sẽ tiết kiệm được một khoản kha khá chi phí. Nhưng bù lại, tình trạng xe tệ hơn và tính mạng của bạn bị đe dọa, liệu rằng đánh đổi này có đáng? Nếu như muốn thay thế hay nâng cấp xe, bạn nên chú ý đến nguồn gốc, xuất xứ, chức năng của các thiết bị đó có phù hợp với xe của mình hay không?
- Chú ý nhiệt độ xe
Nhiệt độ của xe là điều bạn cũng nên “để mắt” tới. Chỉ cần “chệch nhịp” nóng hay lạnh bất thường đều có thể dẫn đến chập điện hay cháy nổ trên xe.
- Bảo dưỡng xe định kỳ
Hành động này chưa bao giờ là dư thừa cả! Không chỉ xe ô tô mà bất cứ phương tiện công cộng, đồ dùng nào cũng cần được bảo dưỡng, kiểm tra và vệ sinh định kỳ. Mặt khác, nhằm đảm bảo an toàn cho xe, bạn nên tìm hiểu đến các cơ sở uy tín. Tham khảo các gói dịch vụ từ các nơi này để bạn chăm sóc xe ô tô hợp lý.
- Chuẩn bị vật dụng cứu hộ
Các vật dụng như búa, bình chữa cháy, nước, khăn nên có để phòng trường hợp khẩn cấp và được đặt ở nơi dễ thấy và lấy khi có sự cố.
- Điều chỉnh thói quen
Bạn hãy tắt hết các thiết bị sử dụng điện khi không dùng đến. Không lưu trữ các đồ dùng dễ gây cháy nổ như bình ga, bật lửa, bình nước hoa… Vì những vật dụng này đều khá “nhạy cảm” khi tiếp xúc với nhiệt độ cao, bạn cần chú ý cẩn thận.
Như vậy, đối mặt với tình huống hy hữu xe ôtô bỗng dưng bốc cháy là điều bất kỳ ai cũng không mong muốn. Dù vậy, việc tìm hiểu nguyên nhân vấn đề, cách xử lý và các điều nên làm nhằm hạn chế tình huống này vẫn là điều cần thiết, giúp bạn có cái nhìn bao quát và kiểm soát tốt.
Bảo Thắng