1. Lừa tiền đặt cọc
Cẩn thận với những mánh lừa khách hàng mua xe cũ của giới buôn xe
Với chiêu lừa này, người bán thường rao bán ở địa phương khác thật xa với mức giá “hời” so với mặt bằng chung trên thị trường. Giá rẻ đã đánh vào tâm lý người tiêu dùng khiến họ muốn mua ngay kẻo sợ người khác mua mất. Do đó, phía người bán đã yêu cầu đặt cọc trước để giữ xe và cái kết cả người và xe đều “bốc hơi”.
Vì vậy, trước khi bỏ số tiền lớn ra để đặt cọc, người mua cần đến tận nơi xem trực tiếp chiếc xe. Còn nếu mạo hiểm đặt cọc trước bằng cách chuyển tiền thì cần xác nhận đầy đủ thông tin như đăng ký xe, giấy tờ tuỳ thân của người bán hoặc nếu họ có salon thì yêu cầu địa chỉ và đăng ký kinh doanh cụ thể.
2. Salon “găm” tiền cả bên bán, bên mua
Có nhiều người muốn bán xe thường mang đến salon để nhờ họ bán hộ và sẽ chi phần trăm giá trị bán cho bên trung gian. Tuy nhiên, không ít salon khi đã bán được xe giúp khách hàng đã cầm toàn bộ tiền của bên mua nhưng chỉ trả lại một ít cho bên bán. Trước khi ký gửi, người bán cần yêu cầu làm rõ hợp đồng về thời gian nhận tiền và phải gặp người mua khi giao dịch. Ngược lại, người mua cũng nên yêu cầu salo cho gặp chính chủ chiếc xe để không bị “kênh” giá cao hơn.
3. Biến xe cũ nát, tai nạn thành xe “mới”
Nếu quyết định chọn mua chiếc xe đã qua sử dụng thì bạn cần tìm đến các gara, salon uy tín để mua. Đồng thời, bạn cũng cần phải kiểm tra xe kỹ trước khi mua, xác minh xem đã bị “bóc tem” để sửa chữa hay chưa, đã từng bị tai nạn hay ngập nước hay không.
Nếu như vậy thì bạn nên bỏ qua luôn vì những chiếc xe như vậy đã bị thay hết đồ nguyên bản, thậm chí mua về còn phải đắp tiền tấn vào để sửa chữa lại. Trong khi đó, các salon ô tô mua những chiếc xe như vậy về với giá rất rẻ, nhưng khi tút tái lại bán được với giá gấp đôi.
4. Đem xe của khách cắm ngân hàng
Khách hàng chắc chắn sẽ bị ‘tiền mất tật mang” khi gặp phải những tay buôn lừa đảo như vậy. Trường hợp này thường xảy ra với các dòng xe sang, kẻ lừa đảo sẽ mang xe của khách đi làm thủ tục cầm cố vay ngân hàng và ngân hàng sẽ giữ lại giấy tờ khi hoàn tất thủ tục.
Từ sơ hở đó, những kẻ lừa đảo sẽ tìm mua 1 chiếc xe không rõ nguồn gốc, thường là xe nhập lậu có cùng hãng, chủng loại với giá rất rẻ. Họ chỉ mất một ít tiền để mang đến xưởng cơ khí bắn lại số khung, số máy cho trùng với chiếc xe đã rao bán. Khách hàng thấy hời sẽ mang 1 tỷ đến ngân hàng chuộc để lấy giấy tờ xe về nhưng thật sự vẫn là xe giả.
5. Giấy tờ giả
Đối với những chiếc xe đang cầm cố ở ngân hàng, có tranh chấp hay là xe nhập lậu sẽ không có giấy tờ. Tay lừa đảo có thể làm giấy tờ xe giả giống đến 95% giấy tờ thật. Khi bị công an kiểm tra, người mua lại chiếc xe này có thể mất xe mà không đòi lại được tiền vì kẻ lừa đảo đã trốn mất. Để tránh rủi ro, tốt nhất nên yêu cầu người bán sang tên để công an kiểm tra đăng ký và có thể phát hiện giấy tờ thật, giả.
6. Tua công-tơ-mét
Thợ buôn xe thường có chiêu tua lại công-tơ-mét để che mắt khách rằng xe vẫn còn mới, di chuyển ít. Tuy nhiên, các chuyên gia có kinh nghiệm về ô tô cho biết, bộ phận đo quãng đường đi được thiết kế dưới dạng một bộ đếm độc lập, dù là cơ hay điện tử cũng tách biệt với các cơ chế còn lại. Tuy nhiên, nếu thay đổi số km đã đi sẽ khiến các chi tiết khác bị ảnh hưởng và cần phải bảo dưỡng, nhất là đối với dòng xe sang. Hơn nữa, số km sai còn ảnh hưởng đến thời gian bảo hành khiến nhiều chi tiết bị hỏng trong quá trình sử dụng sau khi mua về.
7. Chiêu tài chính “thất bại”
Chiêu thức này thường diễn ra với một kịch bản có sẵn: khi một khách hàng đã chọn và đồng ý mua một chiếc xe ô tô cũ vừa phải với túi tiền của họ, sau vài tuần bên rao bán sẽ liên hệ lại và nói giao dịch không thành công vì khách hàng vướng nợ xấu, cần phải trả thêm tiền vì điều đó. Nếu người mua không nắm vững lịch sử giao dịch của mình và để ý kỹ các điều khoản ghi trong hợp đồng sẽ tự mình “sập bẫy”.
(Nguồn ảnh: Topcarvn.com)