Mỗi độ Tết đến xuân về, nhu cầu cả nhà lên xe đi “đu đưa” là có thật. Vậy người lái xe cần lưu ý những gì, tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm của bản thân để có một chuyến du xuân an toàn.
Thứ nhất, lập kế hoạch và xác định rõ mục đích du lịch, du xuân, về quê, thăm hỏi.. đều nên tính đến thời gian, địa điểm, quãng đường, số người, tài chính, vật dụng mang theo.
Thứ hai, chuẩn bị: những chuyến đi xa, dài ngày thì người lái xe và cả các thành viên phải chú ý tới sức khỏe. Người khỏe đi, yếu ở nhà. Người bị bệnh mãn tính thì cần mang theo thuốc men…Trước Tết nên mang xe vào các cơ sở thăm khám uy tín. “Thầy thuốc” bảo sao làm đúng thế, ắt yên tâm. Phanh, lốp, đèn, gương, ắc-quy, các loại dầu bôi trơn, làm mát, cao su gạt mưa, nước rửa kính, lọc gió, nên chú ý. Xăng đổ đầy bình. Chớ nghĩ đổ đầy bình thì nặng tải, đi tốn xăng. Ở quê cây xăng không nhiều, mất nhiều thời gian, đồng nghĩa cũng tốn xăng vì quãng đường đi tìm. Có khi “dính bẫy” treo biển xăng A95, thực chất bán A92.
Kiểm tra thông tin các nơi sẽ dừng chân, nơi lưu trú, địa điểm thăm quan, ăn uống. Tính toán trước thời gian, quãng đường từng địa điểm thông qua các ứng dụng bản đồ, kể cả dự báo thời tiết để chủ động. Cài app i-thông mới nhất để tham chiếu lỗi vi phạm và mức xử phạt theo Nghị định 100.
Có bốn loại giấy tờ xe cần mang theo. Bảo hiểm bắt buộc còn hạn, kiểm tra lại tem kiểm định gắn trên kính, ngày hết lưu hành là ngày nào; ví dày chưa, thẻ ATM đâu, số điện thoại cứu hộ địa phương…
Thứ ba lên đường, đã đi du xuân nên đem theo niềm vui, cáu giận để ở nhà. Quần áo gọn gàng, giày buộc lại, chỉnh ghế, gương, thắt đai an toàn, nhắc người khác cũng thắt đai an toàn, bật VOV giao thông FM 91 để nghe tin giao thông, làm hớp nước mát cho sảng khoái. Chuyển chế độ rảnh tay, hạn chế nghe gọi điện thoại. Không có mùi hoa quả trong hơi thở, ok rồi. Đi thôi! Xi-nhan trái, nhẹ ga, xe từ từ lăn bánh..
Thứ tư thái độ trên đường: hoan hỉ, nhường nhịn, buông bỏ; làm ngược lại sẽ lành ít dữ nhiều. Đi đúng làn, đúng tốc độ, đúng tín hiệu đèn, biển báo. Ai xin vượt, cứ cho qua. Nhỡ bị va chạm bửa cả gương mà không ngoái cái đầu lại xin lỗi, bỏ qua. Ai phóng vèo phát qua mặt, “tranh giải lư hương vàng”, không quan tâm, đã có công an phía trên đón. Ai cố tình đi ngược chiều, kệ người ta, nếu lách được thì mình lách, đừng thi gan ép bên đi sai phải lùi. Camera hành trình ghi lại, cần có thể gửi công an. Nếu có va chạm, tai nạn, khi xuống xe hãy nở nụ cười thân thiện, cùng lời chúc mừng năm mới. Nhớ đừng cười đểu là được…
Thứ năm kỹ năng lái xe, cần thời gian, sự trải nghiệm các cung đường, học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, khả năng xử lý của mỗi người… Mình xin chia sẻ ở khía cạnh khác, khía cạnh nhỏ để mọi người tham khảo.
Khi dừng chờ đèn đỏ nên có khoảng cách với ôtô liền trước, vừa để an toàn, vừa để xe máy có chỗ lách qua không gây cọ quệt. Dừng chờ đèn ở làn trái cũng vậy, một là để khoảng cách cho xe máy đi qua an toàn, để hẹp quá, họ lách lên ghi-đông chạm vào dễ bị bửa gương xe của mình; hoặc hai nên dừng sát dải phân cách, không chừa chỗ cho xe máy lách, mà nhường xe máy từ phía bên phải đi lên.
Dừng chờ đèn đỏ cũng không nên đỗ sát vạch dừng mà nên đỗ cách vạch với khoảng cách nào đó để nhìn được tín hiệu đèn. Nhiều nơi giao nhau, cột đèn tín hiệu ở bên phải, dễ bị xe to chắn hoặc đỗ sát vạch dừng thì mình phải cúi đầu và khom người mới nhìn thấy tín hiệu đèn. Nhiều khi vì không nhìn thấy tín hiệu đèn xanh – đỏ đã chuyển, nên dễ bị người đi sau thúc còi hoặc có thái độ. Khi chạy quốc lộ hoặc cao tốc, nên chạy cùng tốc độ với dòng phương tiện phía trước, không để bị ngắt quãng gây cản trở, không ôm làn. Áp dụng nguyên tắc 3 giây với đường khô thoáng và hơn nếu đường mưa, trơn ướt, tầm nhìn hạn chế.
Tập trung vào tay lái, nói chuyện vui vẻ với người trong xe, nhưng đừng vui quá. Quan sát biển báo hiệu, biển chỉ dẫn để chủ động ở những lối ra, tránh trường hợp đi quá.
Trong hành trình, chỗ nào đẹp ta vào, quán nào ngon ta xuống, gái đẹp ta ngắm, nhưng rượu ngon ta đừng. Hạn chế lái xe ban đêm ở ngoài khu đô thị. Đã lái thì phải tỉnh táo. Gặp xe đối diện nên giảm tốc độ, hạ pha, sử dụng đèn, còi để đánh giá phản ứng tài xế. Quan sát và ra tín hiệu đèn – còi với phương tiện làn trong, phán đoán người đi xe máy, xe thô sơ, súc vật kéo, những xe tải chở tre, nứa, bương, vầu, sắt thép … Tuyệt đối không đi vào điểm mù hoặc tranh chấp lúc vào cua, lúc lên xuống cầu, lúc vượt chưa đủ điều kiện an toàn, đặc biệt với xe khổ lớn.
Nếu lái đêm ở trong phố phải rất chú ý những nơi giao nhau. Nhiều nút giao sau 22 giờ, đèn chỉ nháy vàng, hãy giảm tốc độ, bao quát rộng và tập trung. Nhường đường đúng luật, theo nguyên tắc “nhất chớm nhì ưu tam đường tứ hướng”. Dứt khoát phải giảm tốc độ nếu thấy biển báo thuộc nhóm chú ý, biển hạn chế tốc độ, biển cấm vượt… vì chắc chắn sau những biển báo đó là nguy cơ mất an toàn tiềm ẩn. Khi vượt ở tuyến đường “giao thông đối đầu” (đường phân hai chiều xe chạy bằng vạch kẻ đường đứt đoạn) phải chắc chắn nơi đó cho phép vượt; đã vượt phải thấy được sự an toàn, trước khi vượt phải có tín hiệu xin vượt, được chấp thuận từ xe cùng chiều và ngược chiều; vượt phải dứt khoát; sau khi vượt phải tạo khoảng cách an toàn, liếc nhanh gương, xi-nhan bên phải để xin trở về làn.
Cẩn thận với người đi xe đạp tập thể thao lúc mờ sáng, mùa đông nhiều tốp người đi xe đạp thường mặc áo sẫm màu, không có phản quang và lúc ẩn lúc hiện nhất là phố hẹp có nhiều tán cây. Ngày Tết nhiều hội nhóm xe đạp rủ nhau dã ngoại từ mồng hai.
Với đường đồi núi dốc dài cong cua liên tục như mạn phía bắc, cần chuẩn bị kỹ phương tiện, nghe ngóng thời tiết. Nếu đi lần đầu, nên lên xuống đèo vào ban ngày, nhờ người kinh nghiệm tính thời gian cung đường để chủ động mọi việc. Chạy đường đèo dốc với xe số sàn thì lên số nào xuống số đó, khi lên xuống dùng số thấp, sử dụng phanh hợp lý, không rà liên tục, không về mo để thả trôi xe tạo cảm giác phiêu linh. Đi số hợp lý với địa hình, giảm tốc độ tới mức an toàn ở khúc cua khuất tầm nhìn, bám làn của mình, không lấn, sử dụng đèn còi và tuân thủ biển báo hiệu đường bộ. Xe số tự động đỡ vất vả hơn, lưu ý sử dụng + – hay L1,2,..( ký hiệu có thể khác với tùy hãng xe ) hoặc chế độ hỗ trợ đèo dốc cho hợp lý với vòng tua.
Khi đi vào đường làng, chú ý vật nuôi thả rông, xe công nông đầu ngang, máy móc nông nghiệp. Nhiều khi “phép vua thua lệ làng”. Đường làng nhỏ hẹp quanh co,”anh hùng thôn” hơi nhiều, rất thích lý lẽ cơ bắp. Nên nhớ một nhịn chín lành. Chứ nghĩ một điều nhịn là chín điều nhục, rồi lại giải quyết đúng sai bằng nắm đấm thì đi ôtô xét về tổng thể sẽ thiệt thòi hơn.
Trên đây là những chia sẻ kinh nghiệm từ bản thân. Chúc các bạn lái xe an toàn, cùng gia đình, người thân đón tết Canh Tý, vui xuân thật bổ ích, an toàn, ý nghĩa.
Chúc mừng năm mới!
Theo độc giả Nguyễn Phúc Tâm (Báo điện tử VnExpress.net)