Nếu nhanh trí xử lý kịp thời, bạn có thể hoàn toàn giảm thiểu mức chấn thương đến mức thấp nhất.
Làm thế nào để bảo toàn được tính mạng của mình nếu chẳng may gặp tai nạn khi đang trên xe ô tô? Khuôn khổ bài viết sẽ chỉ ra cho bạn những cách hiệu quả để hạn chế tối đa những chấn thương do va chạm ô tô gây ra. Những bí quyết này sẽ giúp bạn biết cách xử trí chính xác nhất nếu việc không may xảy ra với chiếc ô tô của bạn. Có chuẩn bị vẫn luôn hơn, thay vì cứ phó mặc cho số phận, thì việc bạn biết cách cứu chính mình có lẽ là lựa chọn thông minh hơn.
Có quá nhiều nguyên nhân có thể gây ra tai nạn giao thông, và các nguyên nhân này đến từ chủ quan lẫn khách quan. Chỉ khi nào người lái xe làm chủ được tình huống thì mới có thể khống chế được tai nạn trong các trường hợp cụ thể. Xử lý tình huống đúng sẽ có năng lực thay đổi toàn bộ vận mệnh của bạn. Bởi vậy, chẳng có lý do gì để bạn bỏ qua những bài viết như thế này. Hãy cùng chúng tôi đi sâu tìm hiểu và phân tích về những cách bảo toàn tính mạng của mình nếu tai nạn ô tô có xảy ra.
Bình tĩnh và dự phòng trước các tình huống
Bình tĩnh giúp bạn xử lý tốt nhất các tình huống va chạm. Hãy luôn chuẩn bị cho mình tâm lý ổn định nhất trước khi ra đường, tránh suy nghĩ về công việc hoặc các chuyện riêng tư, không nghe nhạc hoặc nghe điện thoại… khi đang lái xe. Như vậy thì khi gặp phải tình huống bất ngờ bạn mới có thể nhanh chóng bình tĩnh để xử lý tình huống trên xe.
Để có thể xử lý tốt nhất các tình huống khi va chạm, cần tiến hành kiểm tra kỹ càng các chi tiết ảnh hưởng đến an toàn. Kiểm tra phanh xe có hoạt động bình thường không? Chú ý cài dây an toàn cẩn thận. Kiểm tra độ căng của lốp cũng như độ mòn của lốp. Đánh giá tình trạng tỉnh táo của bản thân trước khi ngồi vào ghế lái.
Người sử dụng cũng nên đầu tư cho mình những chiếc xe có hệ số an toàn cao, với hệ thống túi khí đảm bảo và tích hợp các chế độ an toàn như phanh chống bó cứng ABS. Điều này sẽ trợ giúp rất nhiều cho người lái trong các tình huống khẩn cấp cũng như đảm bảo an toàn cho người ngồi trong xe nếu không thể tránh được va chạm.
Không nên đặt trước xe các vật dễ gây sát thương như các vật dụng nặng, vật bằng thuỷ tinh. Vì trong khi xử lý tình huống, rất có thể bạn sẽ phải phanh gấp, khi đó, các vật này sẽ bay vào mặt bạn và hành khách trên xe, vô cùng nguy hiểm. Đừng chủ quan với bất cứ nguy cơ nào, vì không ai nói được trước điều gì cả. Sự chuẩn bị tốt về mặt tinh thần cũng như các yếu tố ảnh hưởng đến tính an toàn của xe sẽ là một trong những bí quyết hết sức quan trọng để giúp đảm bảo tối đa an toàn cho người ngồi trên xe nếu chẳng may xảy ra va chạm trên đường.
Xử lý tình huống khi xe va chạm
Va chạm là tình huống tai nạn mà lái xe dễ gặp phải nhất. Tuỳ mức độ va chạm mà quyết định mức độ thiệt hại về người và của. Khi cảm thấy có nguy cơ va chạm, bạn cần hết sức tập trung và bình tĩnh. Hãy cố gắng quan sát và đánh giá tình hình nhanh nhất. Việc quan trọng nhất mà bạn cần làm là giảm tối đa tốc độ của xe trước khi va chạm. Hãy kết hợp nhiều biện pháp giảm tốc chứ không chỉ nên chăm chăm vào việc dùng phanh. Việc phanh gấp ở tốc độ quá cao sẽ gây ra những sự cố khó lường.
Trong trường hợp không thể tránh được va chạm, hãy đánh lái vào những chướng ngại tĩnh như các cây ven đường hoặc barie, giải phân cách để tránh gây tai nạn cho những người đi đường. Sau khi xe đã va chạm và vẫn tỉnh táo hãy ngay lập tức gọi cứu hộ, kiểm tra tình trạng chấn thương của bản thân và những ngươi xung quanh.
Xử lý tình huống khi xe bị mất lái
Nếu bạn phát hiện xe bị mất lái, hãy giữ bình tĩnh và nghĩ tới các hướng dẫn xử lý tình huống xe bị mất lái mà bạn đã từng nghiên cứu. Có những nguyên tắc xử lý khi xe mất lái mà bạn nên tuân thủ, và áp dụng linh hoạt trong trường hợp của mình. Nếu xe mất lái bạn sẽ rất khó khăn thậm chí là không thể điều khiển được tay lái của mình chạy theo ý muốn và dễ đâm vào các chướng ngại hoặc các xe khác đang lưu thông trên đường. Bởi vậy, nếu không xử lý kịp thời và chính xác thì hậu quả rất khó lường.
Nguyên nhân khiến xe mất lái
Các nguyên nhân gây mất lái của xe cũng có nhiều nguyên nhân. Các nguyên nhân đến từ lỗi ký thuật của xe đơn cử như xe bị nổ lốp, các bộ phận trong hệ thống lái bị hỏng hoặc bị kẹt, bánh xe chưa được cân chỉnh chính xác… Nguyên nhân mất lái cũng có thể gặp phải do thao tác điều khiển xe của người lái không kinh nghiệm. Việc chạy với tốc độ quá cao dẫn tới việc không điều khiển được tay lái, hoặc chạy quá nhanh khi vào cua, do phanh gấp khi đi trên đường trơn trượt…
Xử lý khi xe mất lái
Khi xe mất lái, không phanh xe ngay lập tức, đấy là điều đầu tiên bạn phải nhớ. Tiếp đến là cố gắng kiểm soát tốc độ của xe bằng các cách như về số, nhả chân ga. Việc phanh ngay lập tức khi đang ở tốc độ cao mà lại không điều chỉnh được tay lái xe khiến xe bị trượt hoặc bị lật trên đường. Ngoài ra thì việc phanh gấp còn ảnh hưởng tới khả năng lấy lại quyền kiểm soát tay lái. Việc giảm tốc độ của xe sẽ giúp tài xế dần kiểm soát được tình hình và cũng giảm thiểu nghiêm trọng của tai nạn nếu xe va chạm. Lúc này hãy bắt đầu thử phanh và tiếp tục duy trì các phương pháp hãm tốc độ xe.
Chú ý quan sát và dự đoán hướng di chuyển của xe, dự đoán điểm chạm của xe và thời gian sẽ va chạm. Bật tín hiệu cảnh báo nguy hiểm để các xe lưu thông trên đường nhận biết được xe của bạn đang gặp phải sự cố. Có thể dùng cảnh báo bằng nháy pha và bấm còi để gây sự chú ý. Xe mất lái sẽ nằm trong hai trường hợp, trường hợp thứ nhất là xe mất lái hoàn toàn và trường hợp thứ hai là xe mất trợ lực lái.
- Trường hợp xe mất trợ lực lái: Đối với xử lý tình huống trong khi xe mất trợ lực lái, suốt quá trình xử lý lái xe chú ý giữ chặt hay tay trên vô lăng để duy trì quyền kiểm soát. Khi mất trợ lực lái tài xế vẫn có thể duy trì đánh lái, tuy nhiên việc đánh lái sẽ khó khăn hơn, tay lái nặng hơn và tốc độ xử lý chậm hơn. Tuy nhiên hãy cứ cố gắng hết sức.
- Trường hợp xe mất lái hoàn toàn: Người lái cần về số thấp để xe giảm tốc độ, không nên giảm ngay từ số cao về số thấp mà giảm qua các nấc để tránh vỡ động cơ. Đánh giá mặt đường phía trước, các chướng ngại như cây cối, ao hồ xung quanh… Phanh gấp ngay khi cảm thấy tốc độ đã đảm bảo xe không bị lật, khoảng cách với xe phía sau đảm bảo hoặc trước các chướng ngại vật nguy hiểm.
Cần phối hợp giữa cả phanh tay và phanh chân. Thử cố gắng tìm cách lấy lại quyền kiểm soát xe và chuẩn bị tâm thế cho việc sẽ va chạm. Hãy chủ động cho tình huống va chạm bằng cách gắn chặt mình vào ghế, tư thế ngồi cuộn tròn và đầu cúi càng thấp càng tốt, lấy tay ôm đầu. Đối với xe có túi khí, tài xế nên giữ nguyên tay trên vô lăng tại vị trí 3h và 9h để khi túi khí bung không gây thương tích cho mình.
Xử lý tình huống xe bị rơi xuống nước
Khi xe mất lái, rất có thể cả bạn và xe sẽ bị lao xuống nước. Với tình huống này, kinh nghiêm là thứ quyết định để giúp bạn giữ tính mạng cho mình và những người khác trên xe. Tình huống này dễ gặp nhất là khi xe vào các khúc cua, hoặc các đoạn đường đèo, dốc… Khi ô tô chìm, điều gì sẽ xảy ra? Nắm được nguyên lý này, bạn sẽ hiểu mình cần phải làm gì. Thời gian kể từ khi ô tô rơi xuống nước và vẫn nổi trên mặt nước là khoảng 30s đến 2 phút. Đây là thời điểm vảng để người bị nạn có thể thoát ra khỏi xe. Sẽ mất khoảng 60s đến 120s để toàn bộ nội thất xe ngập nước.
Khi xe bị ngập trong nước, hệ thống điện của xe có thể duy trì được khoảng 3 phút. Hãy tranh thủ thời điểm này để có thể mở cửa sổ xe nếu có thể để thoát ra ngoài từ cửa sổ. Luôn nhớ nguyên tắc khi sinh tồn khi xe rơi xuống nước: dây an toàn – trẻ em – cửa sổ – thoát ra ngoài. Tháo dây an toàn là việc trước tiên. Mở lối thoát bằng cửa sổ, nếu tận dụng được hệ thống điện trên xe để mở cửa là tốt nhất. Còn nếu không, hãy tìm kiếm các vật cứng và có đầu nhọn để phá cửa sổ. Lưu ý, điểm dễ phá nhất của kính xe chính là vị trí trung tâm. Chỉ phá kính cửa sổ bên hoặc kính sau chứ đừng mất thời gian với kính chắn gió phía trước.
Kể cả trong trường hợp không thể phá được cửa kính để thoát ra ngoài, hãy nhớ bình tĩnh và đừng hoảng loạn. Bạn vẫn còn cơ hội để thoát khỏi xe, đợi xe chìm hẳn xuống, cố gắng hít thật sâu và đợi cho nước tràn hết bên trong xe. Khi xe đang chìm, áp lực nước sẽ ngăn cản việc bạn mở cửa xe. Nhưng vào lúc nước ngập hết khoang xe, áp lực nước trong xe sẽ cân bằng với bên ngoài, khi đó bạn có thể lợi dụng để mở cửa xe và thoát ra bên ngoài. Hãy bơi theo bóng thở của mình, nó sẽ đưa bạn đến nơi an toàn.
Phong Vũ