Bảo hiểm “tự nguyện” và “bắt buộc” là một?
Không khó để bắt gặp nhiều điểm bán bảo hiểm xe máy giá rẻ trên nhiều tuyến đường khác nhau. Chúng có thể được bày bán ở các ngã tư, đèn xanh đèn đỏ hay trong các tiệm tạp hóa ven đường cùng với nhiều sản phẩm khác như mũ bảo hiểm, đồ điện tử.
Giá cả của những loại bảo hiểm này cũng khá rẻ. Dao động từ 10.000 đến 20.000 nghìn đồng tùy theo lựa chọn. Theo tìm hiểu thì mới biết đây là loại bảo hiểm tự nguyện mua, khách hàng có thể mua hoặc không mua mà chẳng sao cả.
Mức bồi thường cũng tùy vào từng công ty với các gói giá trị khác nhau. Không khó để bắt gặp những cái tên như Bảo Minh, Bảo Việt, PVI,….qua sự giới thiệu nhiệt tình của người bán hàng. Tuy nhiên, hầu hết các điểm bán bảo hiểm này đều không nói rõ hoặc cố ý viết nhỏ bên dưới để gây hiểu lầm đối với người mua.
Chị Nguyễn Thị Lĩnh, chủ nhân chiếc Honda Lead tâm sự: “Bản thân cũng không rành mấy về các giấy tờ liên quan đến bảo hiểm. Thấy giá rẻ cũng như thủ tục làm việc nhanh chóng, chỉ cần đưa chứng minh rồi nhân viên bán hàng họ tự điền thế là xong, nên cũng không đắn đo nhiều”.
“Bị hấp dẫn bởi dòng chữ “Bảo hiểm xe máy” to đùng nên ghé lại xem thử. Cũng nên mua một cái chứ không bị công an kiểm tra bất thình lình thì chắc chắn nộp phạt”. Tốn mấy nghìn những đỡ thấp thỏm lo âu. Bác Hoàng Tuyên chia sẻ.
Rất nhiều người bị nhầm lẫn khi mua bảo hiểm xe máy mà chẳng hề biết. Thậm chí còn bị các nhân viên lừa gạt mua bởi sự cả tin và thiếu hiểu biết về loại hình này. Chưa kể, hầu hết đều nghĩ rằng có nó rồi thì sẽ chẳng bị công an phạt. Nhưng sự thật thì hoàn toàn trái ngược.
Hiểu thế nào cho đúng bảo hiểm xe máy
Theo quy định thì có 2 loại bảo hiểm xe máy là bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện. Bảo hiểm bắt buộc có tên chính xác là Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Còn bảo hiểm tự nguyện gọi đầy đủ là Giấy chứng nhận bảo hiểm tự nguyện.
Ngoài việc tham gia hợp đồng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự, chủ nhân của xe máy có thể thỏa thuận với doanh nghiệp bảo hiểm để tham gia hợp đồng bảo hiểm tự nguyện (theo khoản 3 Điều 4 Thông tư số 22/2016/TT-BTC).
Khi tham gia giao thông, người điều khiển xe máy phải mang theo giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Nếu không có hoặc hết hạn sẽ bị phạt từ phạt từ 80.000 đồng – 120.000 đồng (điểm a khoản 2 Điều 21 Nghị định 46).
Còn đối với giấy chứng nhận bảo hiểm tự nguyện, nó chỉ giúp bạn nhận thêm một khoản bồi thường từ bảo hiểm tự nguyện ngoài phần bồi thường từ bảo hiểm bắt buộc. Nên khách hàng có quyền sử dụng hoặc không sử dụng. Pháp luật cũng không quy định bắt buộc.
Tuy nhiên, ít ai hiểu được sự thật về 2 loại bảo hiểm này nên dễ nhầm lẫn. Cứ nghĩ mua loại bảo hiểm tự nguyện giá rẻ trên đường là đầy đủ giấy tờ, không bị rắc rối khi công an hỏi đến. Thế mới xảy ra các vụ việc vì sao đã mua bảo hiểm rồi mà vẫn nhận giấy phạt như thường.
Chưa kể khi xảy ra tai nạn, chủ nhân xe máy lại nhầm lẫn giữa các khoản bồi thường của bảo hiểm. Mức bồi thường của 2 loại bảo hiểm này hoàn toàn khác nhau. Theo Điều 9 Nghị định 22/2016/TT-BTC, số tiền tối đa doanh nghiệp bảo hiểm có thể phải trả đối với thiệt hại về người do xe cơ giới gây ra là 100 triệu đồng/01 người/01 vụ tai nạn.
Đối với thiệt hại về tài sản do xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy và các loại xe cơ giới tương tự (kể cả xe cơ giới dùng cho người tàn tật) gây ra là 50 triệu đồng/01 vụ tai nạn.
Còn riêng bảo hiểm tự nguyện thì tùy theo mức độ thỏa thuận giữa khách hàng và công ty bảo hiểm. Trong mọi trường hợp, tổng số tiền bồi thường không vượt quá số tiền bảo hiểm hoặc giá trị bảo hiểm đã ghi trên Giấy chứng nhận bảo hiểm.
Vì vậy, tốt nhất bạn nên đến các đại lý chính thức để được tư vấn và chọn mua bảo hiểm xe máy đầy đủ theo quy định. Đừng nhẹ dạ cả tin vào những điểm bán bảo hiểm ven đường. Vừa mất tiền vừa đóng phạt mà chẳng hiểu tại sao.