Bao nhiêu người chết dưới giày cao gót?
Theo đó, nữ tài xế Vũ Thị Hồng Thái (47 tuổi, ở quận Cầu Giấy) điều khiển chiếc Mercedes GLC 250 đi từ nhà đến ngã tư Lê Văn Lương – Nguyễn Ngọc Vũ (quận Cầu Giấy, Hà Nội) thì gây ra tai nạn.
Bước đầu khai nhận tại cơ quan chức năng, tài xế này cho biết do mang giày cao gót nên đã đạp nhầm chân ga làm xe tăng tốc, lao thẳng vào các xe phía trước. Cuốn 3 xe máy, 1 xe đạp vào gầm khiến một phụ nữ tử vong tại chỗ. Chiếc ô tô và một xe máy khác bị thiêu rụi.
Hình ảnh nữ tài xế chạy ra khỏi xe với đôi giày cao gót càng khiến dư luận thêm bức xúc. Dấy lên lo ngại về vấn đề phụ nữ mang giày cao gót khi lái xe. Chỉ vì làm đẹp cho bản thân mà mang đến nhiều mối nguy hiểm tính mạng cho người xung quanh?
Trao đổi với CafeAuto, anh VănTam nói: “Bao nhiêu người chết “dưới giày cao gót” mà chẳng ai rút kinh nghiệm khi cầm lái? Năm ngoái một phụ nữ doanh nhân chạy xe Mercedes gây tai nạn tại TP HCM cũng khai đi giày cao gót…”.
“Đổ xăng cho phụ nữ là một tội ác, cho phép phụ nữ thi bằng ô tô là tội ác lớn hơn. Để phụ nữ lái xe khác nào giao trứng cho ác. Không bao giờ có cảm tình khi thấy các bà lái ô tô”, chị Võ Thơm bức xúc cho biết.
Bên cạnh việc lên án việc mang giày cao gót khi lái xe, nhiều người còn cho rằng pháp luật nên có chế tài cấm hẳn. “Cần bổ sung gấp quy định “cấm mang giày cao gót” khi lái xe. Nếu gây tai nạn bị phát hiện mang giày cao gót sẽ bị thu bằng lái vĩnh viễn. Tương lai sẽ còn rất nhiều tai nạn gây thương vong do…giày cao gót!”, anh Đoàn Hòa cho hay
Tại sao mang giày cao gót khi lái xe rất nguy hiểm
Rất nhiều người cho rằng giày cao gót là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn nghiêm trọng. Nhưng để hiểu một cách rõ ràng thì ít ai nắm được.
Đầu tiên, giầy cao gót làm tăng chiều dài của chân tài xế lên rất nhiều. Điều này khiến cho tư thế lái trở nên khó khăn và thiếu linh hoạt. Nhiều phụ nữ chọn cách giải quyết bằng việc chỉnh ghế ngồi sát tay lái nên không gian để nhấc chân càng bị thu hẹp. Khi gặp các sự cố bất ngờ thì phản xạ không kịp.
Ngoài ra, khi chuyển từ chân phanh sang chân ga, nguyên lý đòi hỏi tài xế phải nhấc chân lên mới có thể thao tác được. Bởi vì chân ga trên ô tô thường được thiết kế thấp hơn chân phanh. Nếu sử dụng giày cao gót sẽ rất hạn chế động tác này, từ đó dẫn đến tâm lý hoảng loạn cho phụ nữ.
Chưa kể, trong quá trình lái xe, giày cao gót với mặt tiếp xúc nhỏ, hẹp khiến chân dễ trượt khỏi bàn đạp, nếu phanh khẩn cấp thì nguy hiểm vô cùng. Trường hợp đế quá rộng, có thể chân của tài xế sẽ chạm vào hai bàn đạp cùng một lúc, gây tình huống rất nguy hại. Rồi gót dài có thể mắc kẹt, làm vô hiệu hóa đôi chân của người lái. Đế giày cao làm giảm cảm giác về lực đạp ga, phanh khi điều khiển.
Đặc biệt, cuối cùng là tâm lý yếu ớt của chị em phụ nữ. Khi gặp các tình huống bất ngờ, muốn đạp phanh nhưng lại gặp trục trặc do mang giày cao gót. Hoảng loạn càng thêm hoảng loạn, từ đó dẫn đến các sai lầm chí mạng tiếp theo mà không kiểm soát được.
Tất nhiên, chúng ta không đổ lỗi tai nạn là hoàn toàn do giày cao gót nhưng có thể nói hầu hết các vụ tai nạn nghiêm trọng gần đây do phụ nữ gây ra chủ yếu xuất phát từ giày cao gót. Đây là bằng chứng rõ ràng nhất cho vấn đề này.
Vì vậy, phụ nữ khi lái xe, dù muốn làm đẹp, tất nhiên không ai cấm cản, nhưng xin hãy tôn trọng tính mạng của những người xung quanh. Hãy mang theo một đôi giày bệt trên xe để thay. Nếu không có, thì hãy điều khiển bằng đôi chân trần của chính mình.
Đừng để đến khi xảy ra sự cố mới hoảng loạn, suy sụp tâm thần và than trời trách đất. Bạn có thể trả giá cho vấn đề làm đẹp không đúng nơi của mình bằng những ngày tháng trong tù. Lúc đó có hôi hận cũng đã quá muốn.