Nhiều tay lái không hiểu rõ hoặc chưa lường hết những thiệt hại do sơ suất từ việc quên kéo phanh tay. Trên thực tế, hệ thống má phanh dừng (phanh tay) trên các loại ô tô hiện nay sử dụng loại phanh đĩa hoặc tăng-bua, được thiết kế độc lập hoặc kết hợp với hệ thống phanh chính, nhưng tất cả vẫn nằm trong cụm phanh sau. Khi má phanh dừng vẫn còn sát vào tăng-bua hoặc đĩa phanh (quên hạ phanh tay hoặc hạ chưa hết), ma sát lớn giữa má phanh và tăng-bua hoặc đĩa phanh sẽ sinh nhiệt rất lớn khi xe chạy, làm cho má phanh có thể bị cháy.
Bên cạnh đó, phớt và mỡ bôi trơn bi moay-ơ bị đốt nóng sẽ bị chảy và gây hỏng rất nhanh. Cảm biến ABS (chống bó cứng bánh xe) gắn trên cụm phanh cũng có thể bị hỏng, đồng thời dầu phanh bị sôi cũng có thể khiến phanh giảm tác dụng.
Vì vậy, các tay lái nên tạo thói quen mỗi khi đỗ xe là phải kéo phanh tay. Khi xe di chuyển, kiểm tra táp-lô để biết mình đã hạ phanh tay hay chưa. Để chăm sóc và bảo vệ phanh tay trên xe, các tay lái lưu ý một số vấn đề sau:
Cần nhả phanh tay trước khi di chuyển xe. Bên cạnh đó, cần thường xuyên kiểm tra và tiến hành bảo dưỡng hệ thống phanh tay để tránh kẹt phanh do khô dầu hay rỉ sét. Nếu phát hiện hiện tượng xe không ăn phanh, hãy kiểm tra lại phanh, nếu không thì phải thay má phanh (đối với xe dùng phanh tang trống).
Trong trường hợp cần đỗ xe qua đêm, các tay lái nên dùng cần phanh tay, dù cho tài xế có đỗ xe nhiều ngày thì cũng không ảnh hưởng đến hệ thống phanh tay hay phanh chính.