Một thế kỷ qua, ngành công nghiệp ôtô thay đổi vượt bậc trong công nghệ chế tạo lẫn áp dụng công nghệ an toàn mới. Xe hơi lớn hơn, nặng hơn, nhanh hơn và cũng an toàn hơn trước. Trang Car and Driver thống kê 8 yếu tố quan trọng cần có trên xe hơi ngày nay khi đánh giá về tiêu chuẩn an toàn.
Dây đai an toàn
Việc thắt dây đai an toàn là thói quen của người sử dụng ôtô. Thậm chí nếu không sử dụng trang bị này, tài xế có thể bị phạt vì phạm luật.
Nhưng không phải ai cũng nhận ra sự quan trọng của dây đai an toàn. Vì thế đến 1984, việc sử dụng trang bị này là yêu cầu bắt buộc khi tham gia giao thông. Hầu hết các nước trên thế giới đều áp dụng điều luật này để giảm rủi ro cho người sử dụng ôtô khi xảy ra tai nạn.Năm 1968, chính phủ Mỹ nhận thấy tầm quan trọng của dây thiết bị này và đưa ra khuyến cáo: “Bạn sẽ an toàn khi ngồi trong xe hơi nếu thắt dây an toàn”. Kể từ đó, dây đai 2 điểm là trang bị bắt buộc trên xe hơi tại nước này. Sau đó 5 năm, dây an toàn 3 điểm thay thế với ưu điểm trải rộng ở vùng ngực, vai và xương chậu.
Túi khí
Cùng với dây đai an toàn, túi khí là công cụ hữu hiệu giảm thiểu chấn thương cho người sử dụng. Lực quán tính khi xe di chuyển ở dải tốc độ cao có thể khiến người ngồi trong ôtô hất văng về phía trước.
Túi khí, công cụ hữu hiệu giảm thiểu chấn thương cho con người khi xảy ra tai nạn.
Những năm cuối thế kỷ 20, các yêu cầu về an toàn trên xe hơi buộc các nhà sản xuất chú trọng hơn đến trang bị này. Năm 1998, túi khí kép cho người điều khiển xe và hành khách ở khoang lái lần đầu áp dụng. Tầm quan trọng của túi khí là điều ai cũng hiểu rõ. Nhưng cho đến nay, không phải hãng xe nào cũng trang bị đầy đủ trên ôtô, bao gồm vị trí hàng khách ngồi phía sau. Số lượng túi khí vừa là yếu tố khiến khách hàng cân nhắc khi mua ôtô, vừa là trang bị “tính tiền” thêm của hãng sản xuất.
Phanh ABS
ABS hay còn gọi là hệ thống chống bó cứng phanh, giúp xe hơi không bị trượt bánh hoặc mất kiểm soát khi di chuyển ở tốc độ cao.
Xe hơi an toàn hơn khi trang bị công nghệ ABS.
Cùng với sự hỗ trợ của những tính năng an toàn khác,phanh ABS trở thành tiêu chí quan trọng khi đánh giá độ an toàn của ôtô. Năm 2004, phần lớn xe hơi sản xuất trên thế giới đều ứng dụng công nghệ an toàn ABS. Sau đó một thập kỷ, tính năng kiểm soát thân xe điện tử ESC cũng ra đời, giúp việc lái xe trở nên an toàn hơn.
Giám sát điểm mù
Những điểm nằm ngoài khả năng quan sát của người lái là một trong những nguyên nhân dẫn đến va chạm nhẹ hoặc nghiêm trọng hơn là tai nạn.
Cảnh báo điểm mù hiển thị trên gương chiếu hậu.
Công nghệ giám sát điểm mù sử dụng camera nhận diện người và các phương tiện xung quanh để đưa ra cảnh báo cho người lái. Từ 2014 trở đi, chính phủ Mỹ ban hành luật bắt buộc xe hơi, xe tải phải có camera hỗ trợ phát hiện điểm mù để tránh những tai nạn đáng tiếc khi lùi hoặc vượt xe.
Phanh khẩn cấp chủ động
Ngoài khả năng đọc tình huống của người lái, công nghệ hỗ trợ phanh khẩn cấp là trợ thủ đắc lực giúp xe hơi tránh những tình huống có thể ngăn chặn trước. Hoặc giảm thiểu lực va chạm giữa ôtô với vật cản, bao gồm cả con người.
Người lái có thể không phản ứng kịp khi mật độ xe lưu thông cao.
Sử dụng các cảm biến và camera quan sát, hệ thống an toàn điều khiển bằng máy tính có thể tự động phanh xe mà không cần tác động của con người. Đây có thể xem là tính năng nâng cấp của giám sát điểm mù khi không chỉ đưa ra cảnh báo mà còn thay con người làm việc trong những tình huống bất ngờ, khi tài xế chưa kịp thời ngăn tình huống xảy ra, đặc biệt khi lái xe ở tốc độ cao.
Tiêu chuẩn an toàn
Xe hơi không chỉ đánh giá về sự tiện nghi của trang bị nội thất, cảm giác lái thực tế nhờ động cơ, hộp số. Yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định mua xe của nhiều người còn đến từ thang điểm an toàn thông qua các thử nghiệm va chạm.
Thử nghiệm va chạm, một trong những yếu tố đánh giá mức độ an toàn của xe hơi.
Tại Mỹ, Cơ quan an toàn giao thông quốc gia Mỹ NHTSA và Viện An toàn giao thông quốc gia Mỹ IIHS là hai cơ quan chuyên trách thử nghiệm va chạm xe hơi, xe tải. Thang điểm đánh giá từ một đến 5 sao là căn cứ tham khảo cho những người mua xe, cũng như khuyến khích các nhà sản xuất xe hơi nâng cao tiêu chuẩn an toàn trên sản phẩm của hãng. Đánh giá được đưa ra khi tổng hợp các tiêu chí về khả năng chịu xung lực từ nhiều phía, hoạt động của túi khí, dây đai an toàn hay mức độ xô lệch các kết cấu trên xe hơi tác động đến con người.
Rung vô-lăng gửi cảnh báo
Nếu cảnh báo tác động đến thính giác bằng âm thanh là chưa đủ, vô-lăng với chức năng rung tác động trực tiếp đến xúc giác người lái.
Tác động trực tiếp đến xúc giác có thể giúp người lái nhanh nhận ra sự mất tập trung của bản thân.
Tuy chưa thật sự phổ biến nhưng tính năng phát cảnh báo bằng vô-lăng tự động rung nhiều khả năng áp dụng rộng rãi trên xe hơi trong tương lai. Bằng cảm biến và thông tin thu thập từ camera, bộ phận điều khiển phát lệnh rung vô-lăng để cảnh báo người lái khi xe di chuyển lệch làn đường một cách “vô thức”, hoặc không bật đèn báo rẽ khi chuyển làn.
Cảnh báo người lái mất tập trung
Không thiếu trường hợp người sử dụng ôtô phải di chuyển hành trình dài. Khi đó sự buồn ngủ, mệt mỏi hoặc những yếu tố khách quan khác khiến tài xế mất tập trung, dễ dẫn đến điều khiển xe thiếu an toàn.
Công nghệ cảnh báo bằng hình ảnh, âm thanh, giọng nói giúp việc lái xe an toàn hơn.
Bằng cách phân tích hành vi người lái thông qua tần suất tương tác với vô-lăng, chuyển làn đột ngột, hệ thống điều khiển trên xe đưa ra cảnh báo bằng âm thanh nhắc nhở tài xế cần tập trung khi lái xe. Thậm chí nhiều hãng xe còn “chu đáo” đến nỗi thiết lập thời gian gửi đề nghị dừng xe, nghỉ ngơi bằng giọng nói đến tài xế, sau đó mới tiếp tục hành trình.