1. Giữ bình tĩnh, tránh hoảng sợ
8 điều cần lưu ý khi xảy ra tai nạn ô tô
Theo phản xạ tự nhiên, con người thường cảm thấy nóng giận, sợ hãi, căng thẳng sau khi xảy ra va chạm xe hơi. Việc bạn cần làm là giữ bình tĩnh, kiềm chế cảm xúc để không bị kích động, hãy hít một hơi thật sâu hoặc đếm đến 10 để bình tâm lại.
2. Giữ nguyên hiện trường tai nạn xe hơi
Tại Điểm b Khoản 7 Điều 5 Mục 1 Chương II Nghị định 46/2016/NĐ-CP, hành vi gây tai nạn mà không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn sẽ bị phạt tiền từ 5-6 triệu đồng; đồng thời tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2-4 tháng.
Trong trường hợp xảy ra tai nạn nghiêm trọng, bạn phải giữ nguyên hiện trường cho đến khi cảnh sát đánh dấu vị trí chính xác của xe vào thời điểm xảy ra, không dịch chuyển xe (trừ tình huống khẩn cấp nhằm cứu người bị nạn) và báo ngay cho cảnh sát giao thông địa phương giải quyết.
Nếu không có người bị thương, bạn có thể di dời xe khỏi hiện trường, lưu ý đặt biển báo hoặc dùng ký hiệu cho các phương tiện khác biết để tránh tai nạn liên hoàn.
3. Bật đèn báo khẩn cấp nếu không thể di chuyển phương tiện
Khi xảy ra tai nạn nghiêm trọng, bạn cần bật đèn báo khẩn cấp để phương tiện khác nhận biết và chủ động phòng tránh. Theo đó, bạn nên ở trong ô tô và thắt dây an toàn nếu ở trên cao tốc, vì khả năng chấn thương hoặc tử vong ở bên ngoài xe luôn cao hơn khi ngồi trong xe. Trường hợp phát hiện xăng bị rò rỉ, bạn phải ngay lập tức rời khỏi xe và tìm nơi trú ẩn an toàn.
4. Xem xét những chấn thương (nếu có)
Tiếp đến, bạn bắt đầu xem xét những vết thương (nếu có) của bản thân và người liên quan đến vụ tai nạn. Nếu có người bị thương, lập tức sơ cứu hoặc gọi xe cứu thương.
Trong trường hợp ai đó bất tỉnh hay gặp chấn thương phần cổ, bạn không nên di chuyển họ vì sẽ gây tổn thương nghiêm trọng hơn. Thay vào đó, chúng ta hãy gọi xe cấp cứu và chờ nhân viên y tế hỗ trợ.
5. Báo cho cảnh sát giao thông hoặc các cơ quan chức năng
Công an giao thông và cơ quan chức năng sau khi nhận được thông báo sẽ đến phong tỏa hiện trường và lập biên bản, dù là những va chạm nhỏ nhất. Đồng thời, họ cũng đứng ra hòa giải và tìm hướng giải quyết tốt nhất cho đôi bên. Sau đó, họ bắt đầu thu thập chứng cứ, cung cấp giấy tờ cần thiết cho công ty bảo hiểm để người bị nạn khiếu nại bồi thường sau này.
6. Chờ cảnh sát giao thông hoặc cơ quan chức năng đến hỗ trợ xử lý tai nạn
Tại thời điểm này, bạn cần tránh đổ lỗi hoặc cãi vã với đối phương mà chỉ nên trao đổi thông tin liên lạc để liên lạc khi cần thiết. Công ty bảo hiểm, cơ quan có thẩm quyền cũng như các bên liên quan sẽ cùng thương lượng và đưa ra giải pháp xử lý thỏa đáng nhất.
7. Thu thập thông tin về người lái xe và nhân chứng liên quan đến vụ tai nạn
Thông thường, bạn cần thu thập thông tin về ô tô, người lái xe liên quan đến vụ va chạm, bản sao Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe và bản sao biên bản tai nạn của cảnh sát giao thông nhằm phục vụ việc yêu cầu bồi thường sau này. Bạn cũng nên chụp hình chiếc ô tô bị hư hại và hiện trường vụ tai nạn để tăng tính xác thực.
Nếu bị tai nạn xe tải, việc nhận được nhiều khiếu nại khiến tòa án phải vào cuộc thì nhân chứng sẽ là người bản vệ bạn. Tuyệt đối đừng bỏ qua các chi tiết của nhân chứng, cố gắng giữ họ lại trong khả năng của bạn và đợi đến khi cảnh sát có mặt.
8. Kiểm tra tình trạng sức khoẻ sau tai nạn
Sau tai nạn, bạn phải đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe dù không có chấn thương đáng kể. Có thể những vết thương ẩn bên trong như máu bầm khiến bạn không nhận ra, nhưng một thời gian sau sẽ bộc phát trên cơ thể. Lúc này, việc chữa trị sẽ khó khăn hơn so với lúc vết thương vừa được phát hiện.