Với địa hình phức tạp, thường có những khúc cua, con đèo hiểm trở, đường đồi núi chính là một trong những nơi xảy ra nhiều vụ tai nạn ô tô thương tâm nhất.
Do đó, với mỗi hành trình có đi qua những con đường đối núi, người lái ô tô nên chú ý một số điều sau để đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như những người khác.
Kiểm tra xe trước mỗi chuyến đi
Đồi núi là khu vực đường ẩn chứa nhiều nguy hiểm, vì vậy bạn cần chuẩn bị đầy đủ trước khi điều khiển xe qua khu vực này. Hơn nữa, chuẩn bị đầy đủ sẽ mang lại cảm giác an tâm hơn cho lái xe và giảm thiểu rủi ro khi tai nạn xảy ra. Những bộ phận cần kiểm tra trước khi bắt đầu chuyến hành trình là: hệ thống phanh xe, áp suất lốp, hệ thống làm mát, ắc quy, cần gạt nước… Hãy đảm bảo nước làm mát không bị cạn, thay dầu máy, lốp không quá mòn và hệ thống phanh vẫn đạt đủ hiệu quả. Đặc biệt, đừng quên chuẩn bị lốp dự phòng và dụng cụ thay lốp bởi có thể lốp xe sẽ xảy ra ra trục trặc bất ngờ trong hành trình.
Đừng quên kiểm tra xe trước chuyến đi
Sử dụng vô lăng đúng cách
Đặc điểm của vùng đồi núi là có nhiều khúc cua nguy hiểm và mật độ khúc cua thường dày đặc. Do vậy người điều khiển xe ô tô phải nắm bắt được cách sử dụng vô lăng đúng kỹ thuật. Bạn hãy tự ước lượng độ gấp của khúc cua bởi nó sẽ giúp bạn đánh lại vừa đủ để vượt qua khúc cua, tránh rơi vào trường hợp xe bị tròng trành hoặc vượt quá phần đường qui định.
Sử dụng vô lăng đúng cách còn giúp xe di chuyển ổn định, vững vàng trong khu vực đồi núi. Tuyệt đối không dùng một tay để xoa vô lăng bởi điều này vô cùng nguy hiểm đối với xe chạy đường đối núi. Các khúc cua đường đồi yêu cầu bạn phải có lực giữ vô lăng lớn. Vì vậy nếu cầm vô lăng bằng một tay có thể khiến lái xe khó kiểm soát được.
Nắm vững nguyên tắc khi xuống dốc
Di chuyển trên đường đồi núi chắc chắn sẽ phải xuống dốc nhiều lần. Thế nên, nắm vững nguyên tắc điều khiển xe khi xuống dốc chắc chắn sẽ rất hữu ích cho bạn. Xe càng nặng thì quán tính khi đổ đèo càng lớn và tốc độ di chuyển khi xuống dốc càng cao.
Nếu không cẩn thận thì tốc độ lao dốc sẽ vượt quá tầm kiểm soát của người điều khiển xe. Thậm chí sử dụng phanh không đúng cách khi xuống dốc cũng có thể gây ra bất lợi cho lái xe. Phanh quá nhiều và giữ quá lâu sẽ khiến nhiệt độ má phanh bị tăng cao đột ngột và có thể bị cháy phanh, dẫn đến phanh mất tác dụng và xe lao đi khó kiểm soát.
Lái xe cần tập trung cao độ khi xuống dốc
Nguyên tắc khi xuống dốc đúng cách ở đường đồi núi chính là không để xe ở chế độ số D hoặc các cấp số cao đối với xe số sàn. Chuyển xe về các cấp số thấp, sử dụng phanh giảm tốc độ, tuyệt đối không dùng phanh gấp. Bạn hãy cố gắng duy trì tốc độ ở mức độ ổn định và an toàn, không nên để xe lao dốc quá nhanh và đến khi tốc độ quá lớn thì mới phanh.
Không vi phạm quá tải trọng cho phép
Việc chở quá tải là rất nguy hiểm khi di chuyển ở khu vực đồi núi. Bạn không nên chở quá số người và hàng hóa theo quy định. Lý do là bởi theo quy tắc “càng nặng càng lao nhanh” đã nêu ở trên, nếu bạn vi phạm tải trọng, khi xuống dốc ô tô sẽ bị tăng thêm lực quán tính và lao nhanh hơn so với thông thường. Tình huống này gây ra tác động vô cùng xấu tới hệ thống phanh, thậm chí nếu phanh hoạt động không tốt thì có thể phát sinh tai nạn, cực kì nguy hiểm đối với người sử dụng xe.
Xử lý đúng cách khi lên dốc
Bên cạnh việc xuống dốc, đổ đèo thì lên dốc cũng là một trong những khó khăn của lái xe khi điều khiển xe ở khu vực đồi núi. Bạn hãy ghi nhớ để leo đèo tốt thì phải biết cách lấy đà. Bí quyết lấy đà chính là giữ tốc độ trên 35km/h, vòng tua máy của xe lớn hơn 1.500 vòng và tăng tốc độ một cách nhịp nhàng, không nên vội vã.
Chú ý xử lý đúng cách khi lên dốc
Nếu gặp các khúc cua tay áo, khi vào cua hãy giữ tốc độ vòng tua máy những tốc độ của xe thì không nên quá cao. Đây là những khúc cua khá nguy hiểm bởi bạn khó thấy những xe chạy ngược chiều, vì vậy phải tập trung quan sát và không đi quá nhanh khi vào cua.
Cẩn thận khi gặp sương mù
Đặc điểm của khu vực đồi núi chính là sương mù. Đôi khi sương mù còn dày đặc khiến xe sau không thể nhìn thấy xe trước. Khi lái xe trong điều kiện thời tiết có sương mù, tuyệt đối không phóng nhanh, đi chậm để dễ dàng quan sát các xe khác. Đừng quên bật đèn sương mù và bám theo các vạch kẻ đường. Nếu cảm thấy tình hình quá nguy hiểm, bạn có thể dừng xe và đợi tới khi sương mù tan để di chuyển tiếp.
Sương mù gây cản trở nghiêm trọng tâm nhìn
Cảnh giác các đoạn đường trơn trượt
Sương mù dày đặc sẽ khiến đường trở nên trơn trượt, hoặc các cơn mưa bất ngờ, nước từ trên núi chảy xuống cũng khiến độ ma sát giữa xe và đường trở thành số không. Nếu đường có dấu hiệu trơn trượt, hãy di chuyển thật chậm để tránh bị văng xe và mất lái.
Văn Vũ