1. Côn ra ga vào
Khi lái xe số sàn, côn xe phải được cắt hoàn toàn nghĩa là lúc này phải đạp hết côn. Theo kinh nghiệm lái xe thực tế cho thấy, nhiều trường hợp sẽ cảm thấy việc vào số rất nặng và khó nhọc do chân côn của xe chưa đạp hết cỡ.
Khi nhả côn để xe lăn bánh, phải phối hợp nhịp nhàng “côn ra ga vào” để chuyển số mượt mà. Việc thực hiện thuần thục thao tác “côn ra ga vào” (giảm ga và cắt côn nhanh – sang số – nhả côn từ từ kết hợp tăng ga), giúp côn tránh bị hỏng, máy khỏe và không bị ì.
Thao tác nhả chân côn nhấn chân ga.
Điểm khác biệt dễ nhận ra nhất giữa xe số sàn và xe số tự động là chân côn, việc sử dụng chân thành thạo sẽ tối ưu được khả năng kiểm soát xe. Nếu chỉ đạp chân côn để chuyển số thì bạn vẫn chưa biết hết lợi ích của nó. Khi di chuyển trên những cung đường xấu, bạn nên cắt côn tùy lúc để xe tránh bị giằng – giật. Khi đi trên đường đông đúc, bạn nên rà chân côn cho an toàn.
2. Không đạp chân côn trước khi phanh
Cũng theo các tài xế giàu kinh nghiệm chia sẻ, khi xe đã chuyển bánh và việc chuyển số hoàn tất, hãy bỏ chân ra khỏi chân côn. Nhiều tài mới có thói quen giữ chân côn lâu, về lâu về dài sẽ làm hỏng lá côn.
Một điểm cần lưu ý nữa là khi đạp phanh thì không nên đạp côn sớm trước khi xe dừng, tài xế cần đạp phanh trước rồi mới đạp côn. Tương tự như lúc vào cua, lái xe không đạp côn và đảm bảo chọn số phù hợp tốc độ, tránh xe chết máy hoặc gằn máy.
3. Kinh nghiệm khi đề-pa
Trong lúc đề-pa, không được nhả chân côn hết cỡ, vì điều này khiến xe chết máy. Trước khi nhả côn, phải mớm ga lên vòng tua máy từ 1.500 – 2.000 vòng/phút nhưng trong quá trình nhả côn phải giữ đều chân ga để giúp xe di chuyển về phía trước. Sau khi cắt phanh tay, cần giữ nguyên chân côn và chân ga như lúc bắt đầu cắt phanh.
4. Không nên lạm dụng số Mo
Không nên lạm dụng số N (số Mo) thường xuyên.
Việc chuyển xe về số N khi dừng đèn đỏ trong thời gian ngắn là không nên, các chuyên gia thậm chí còn khuyên rằng không nên lạm dụng ngay khi xe đang vận hành. Đặc biệt một số lái xe có thói quen nguy hiểm là về số Mo khi xuống dốc; khi đó tốc độ xe tăng theo gia tốc, động cơ không còn can thiệp vào quá trình giảm tốc. Điều này sẽ khiến cả phanh chân và phanh tay không thể phát huy hết hiệu quả, nguy cơ tai nạn rất cao.
5. Chọn số phù hợp
Trong quá trình lái xe, nếu xe chưa đủ tốc độ mà tài xế đã vào số sẽ khiến xe bị ì, khi đạp ga sẽ không thể đạt được tốc độ mong muốn, tức là đang chạy ép số. Vì thế, tài xế phải học cách tạo đà, và khi vận hành cần lưu ý sự tương thích giữa số và tốc độ xe. Dưới đây là cách chọn số phù hợp: số 1: 5-10km/h, số 2: 10-15km/h, số 3: 15-30km/h, số 4: 35-40km/h, số 5: trên 45km/h.
6. Không dùng chân côn để giữ xe trên dốc
Đây là phương pháp sai và nhanh làm hỏng các chi tiết như bố ly hợp, bánh răng dẫn động, ổ bi sẽ phải chịu lực ma sát rất lớn để giữ cả khối lượng xe đứng yên trên dốc, trong khi thắng ở bốn bánh có thể đảm nhận trách nhiệm này một cách nhẹ nhàng.
Thực tế cách làm này chỉ giúp giữ xe đứng yên trong khoảng 1-2 giây để tài xế chuyển từ bàn đạp thắng (phanh) sang bàn đạp ga. Tài xế có thể sử dụng phanh tay nếu muốn giữ xe lâu hơn 5 giây, nếu sợ trượt dốc khi di chuyển hãy thả bớt chân côn, dậm thêm ga và từ từ nhả thắng tay để xe bò lên dốc.
7. Không nên ép số khi muốn tăng tốc
Số cao trên cần số có vai trò giúp xe đi nhanh nhưng vẫn giữ vòng tua máy thấp, điều này sẽ giúp xe tiết kiệm nhiên liệu và các chi tiết máy hoạt động dưới áp lực thấp nhất. Khi muốn tăng tốc, các bác tài về một số, tăng ga, sau đó mới lên lại số cũ, điều này giúp xe tăng tốc rất nhanh nhưng cũng hại hộp số hơn so với cách nhấn thêm ga để tăng tốc.
Ngoài ra, chỉ sang số khi xe đủ vận tốc hạn chế thói quen sang số khi vòng tua máy chạm đến vạch đỏ. Bắt hộp số phải làm việc dưới sức ép lớn lâu ngày sẽ làm giảm tuổi thọ và dẫn đến chi phí chăm sóc bảo dưỡng tốn kém.
8. Dùng phanh tay đúng lúc
Không nên lạm dụng phanh tay.
Nhiều tài xế thường sử dụng phanh tay khi đề-pa ngang dốc, và khi có dấu hiệu tụt dốc thì dùng phanh tay. Thắng tay không được thiết kế để dừng xe khi đang chạy mà chỉ nên được dùng để khi xe đứng yên. Tuy nhiên, nếu cố gắng sử dụng sẽ thấy nó bất hợp lý và không an toàn.
Trong trường hợp thắng tay không nhả ra hoàn toàn khi xe đang chạy sẽ khiến phanh bị mòn sớm. Nguy hiểm hơn là điều này có thể làm dầu phanh sôi dẫn đến phanh mất tác dụng. Bạn nên dùng cách đề-pa truyền thống lúc học lái xe, sẽ an toàn và dễ sử dụng hơn.
(Nguồn ảnh: Internet)