1. Dầu máy
Cơ chế vận hành của xe tay ga là ưu tiên tính tự động, không đòi hỏi thao tác đạp, sang số nên xe tỏa nhiệt lượng lớn và tiêu tốn nhiên liệu nhiều hơn. Về cấu tạo, xe tay ga dùng hệ thống dẫn động vô cấp bằng dây đai, tốc độ vòng quay có thể lên đến hơn 7.000 vòng/phút. Hệ thống truyền động luôn phải hoạt động hết công suất.
Lượng dầu máy sẽ hao mòn theo thời gian hoặc lẫn tạp chất làm giảm khả năng bôi trơn. Vì vậy, nên thay dầu theo đúng tiêu chuẩn được khuyến nghị bởi hãng xe, thông thường khoảng 1.000 – 1.500 km/lần.
Trong điều kiện vận hành nóng, bụi, đường nhiều đèo dốc hay xe liên tục tải nặng, nên thay sớm hơn. Nên thay nhớt máy ngay lập tức sau khi xe bị ngập nước. Ngoài ra, người dùng nên sử dụng các loại dầu máy chuyên dụng có khả năng bền nhiệt và ổn định ô xy hóa tốt để duy trì độ nhớt và tính năng bôi trơn cần thiết cho động cơ xe tay ga.
2. Má phanh, dầu phanh
Má phanh là bộ phận chuyển động năng thành nhiệt năng, giúp xe giảm tốc, và sẽ mòn theo thời gian. Má phanh quá mòn còn gây hiện tượng vênh đĩa phanh, làm hệ thống phanh mất hiệu quả ngay cả khi đã thay má mới…
Khác với các loại dầu nhớt thông thường chỉ với nhiệm vụ bôi trơn động cơ, dầu phanh còn đòi hỏi về khả năng truyền lực (thông qua lực nén tạo bởi cột dung dịch). Dầu phanh bị hao mòn khiến không cấp đủ lực cần thiết cho quá trình phanh đĩa hoạt động, dẫn đến sự mất an toàn trong quá trình di chuyển.
Ngoài ra, dầu phanh trong quá trình phanh cũng sẽ tăng nhiệt độ, bốc hơi qua các khe hở do hệ thống ống dẫn bị giãn nở. Dầu phanh cũng bị nhiễm tạp chất, có cặn dẫn tới hiện tượng mất phanh hoặc phanh không trơn tru.
3. Dầu láp
Không giống xe số, cầu sau xe tay ga sử dụng hệ thống bánh răng dẫn động đến trục bánh xe và dầu để bôi trơn, gọi là nhớt hộp số hoặc dầu láp. Khi vận hành, các bánh răng truyền động hoạt động thường xuyên với cường độ và tải trọng cao. Dầu láp đóng vai trò đảm bảo cho các bánh răng hoạt động trơn tru.
Dầu láp sẽ hao mòn và bị bẩn theo thời gian, khiến láp khô, rơ, hú, giảm hiệu quả của hệ thống truyền động. Nặng hơn có thể dẫn tới tình trạng vỡ láp, mất truyền động. Dầu láp ít hao mòn hơn dầu máy do ở một khu vực tương đối kín.
Tuy nhiên, người dùng cũng nên lưu ý thay dầu láp sau 3 – 5 lần thay dầu máy để đảm bảo điều kiện hoạt động của bộ phận này. Sau khi xe bị ngập nước, cũng nên thay dầu láp ngay lập tức.
Các chuyên gia khuyên chủ xe nên kiểm tra nhớt hộp số thường xuyên và thay nhớt định kỳ sau mỗi 6.000-8.000 km. Dấu hiệu nhận biết thời điểm thay dầu láp gồm: máy xe kêu to bất thường, có tiếng hú, xe chuyển động gằn, kém êm ái.
4. Dây cu-roa
Giống như trên xe số, dây đai truyền động thay thế cho xích tải và đây cũng là bộ phận nhanh xuống cấp nhất do phải chịu và chuyển lực truyền động như xích trên xe số. Bộ phận này cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới sự vận hành của xe tay ga.
Khi xe hoạt động lâu ngày sẽ sinh bụi trong hộp đai, là yếu tố làm đai nhanh mòn. Bề mặt bị mòn làm kích thước giữa các bề mặt tiếp xúc nhỏ đi, gây giảm hiệu quả truyền lực. Đồng thời nhiệt năng sinh ra do ma sát trong quá trình hoạt động sẽ làm chai cứng dần bề mặt dây đai, thậm chí có khả năng làm nứt dây.
Theo khuyến cáo của các hãng sản xuất thì nên thường xuyên kiểm tra đai truyền động sau khoảng 8.000 km và thay thế sau khoảng 20.000 km. Người sử dụng nên thường xuyên kiểm tra sửa chữa và bảo dưỡng định kỳ để duy trì tình trạng hoạt động tốt của xe.
5. Bugi
Bugi là bộ phận đánh lửa, giúp đốt cháy nhiên liệu, sinh công suất cho xe. Về lý thuyết thì khá đơn giản, là phát sinh được tia lửa điện giữa hai điện cực ( cực trung tâm và cực bên nối mát), để đốt cháy hỗn hợp không khí – xăng từ chế hòa khí đã được nạp vào buồng đốt.
Tuy nhiên, đầu cực của bugi sẽ hao mòn theo thời gian, gây hiện tượng đánh lửa không đều, tốn nhiêu liệu, động cơ hụt hơi. Ngoài ra, còn nhiều yếu tố khác khiến bugi hoạt động không hiệu quả như bị bám muội nhiên liệu, bị ướt, bị lẫn nhiên liệu không cháy hết…
Thực tế, bugi là một bộ phận khá bền bỉ, có thể hoạt động tới vài chục nghìn km mới hư hỏng hẳn. Nhưng bạn nên kiểm tra và thay thế định kỳ, nhất là trong thời kỳ mưa gió, ngập nước, để xe hoạt động ổn định nhất.
6. Nước làm mát
Nước làm mát có công dụng làm mát động cơ xe tay ga. Giúp xe tay ga vận hành bền bỉ, êm ái, không xảy ra hiện tượng ỳ máy, nóng máy. Ngày nay, phần lớn nước làm mát bằng dung dịch được sử dụng rộng rãi trên xe tay ga vì có nhiều ưu điểm vượt trội.
Hao hụt quá nhiều nước mát khiến xe nóng máy nhanh, chạy ì và nặng nhất là có thể nứt vỡ lốc máy. Theo khuyến cáo của các nhà sản xuất, nước làm mát nên thay khoảng 10.000 km/lần… Nước mát cũng nên được kiểm tra định kỳ, đặc biệt là sau những chuyến đi dài, đèo dốc hay tải quá nặng.
Ngoài ra, lái xe còn có thể thay nước làm mát dựa trên các vách mức ở bình chứa phụ. Trên bình chứa phụ có hai mức vạch là Lower và Upper. Nếu mức nước nằm giữa hai vạch có nghĩa không cần phải xử lý thêm. Nhưng nếu nước dưới vạch Lower, đó là lúc cần bổ sung thêm nước làm mát.
7. Lọc gió
Lọc gió có chức năng chính là lọc không khí cho sạch để đưa vào chế hòa khí (bình xăng con) hoặc đầu phun xăng điện tử, sau đó không khí sẽ hòa quyện với xăng thành hỗn hợp để vào buồng đốt động cơ, cháy và sinh công năng.
Nếu lọc gió bẩn thì sẽ làm cho lượng không khí vào bình xăng bị hạn chế, dẫn đến giảm khả năng sinh công của động cơ. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng động cơ khó nổ, hao xăng, máy yếu khi tăng ga hoặc lên dốc, có khói đen.
Tùy vào loại lọc gió mà người dùng có thể vệ sinh hoặc thay mới. Phần lớn xe ga dùng lọc gió tẩm dầu, do đó mà chỉ có thể thay mới, không thể vệ sinh. Trong điều kiện đường bụi bẩn, nên kiểm tra lọc gió trước mốc 10.000 km.