Thành phố là nơi có mật độ giao thông rất cao, điều này khiến việc di chuyển vào những con đường sẽ khó khăn hơn, dễ mắc sai lầm gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Mật độ dân cư ngày càng đông đúc, khiến việc lái xe trong thành phố cần phải hết sức cẩn trọng. Nếu không sẽ mắc phải những sai lầm từ nhẹ có thể dẫn đến nghiêm trọng.
Thiếu tập trung
Lái xe luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, các tình huống bất ngờ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chính vì thế người lái xe luôn phải cảnh giác trên tất cả các cung đường mình đi. Đặc biệt khi tham gia giao thông trong thành phố, sự cảnh giác ấy phải nâng cao hơn nữa, chỉ cần một chút bất cẩn đã dẫn đến tình huống nguy hiểm. Từ thực tế chúng ta thấy, dân cư nơi đây rất đông đúc, phương tiện tham gia giao thông đa dạng, nhiều loại hình như xe buýt, ô tô con, taxi, xe đạp, người đi bộ… Khiến việc lái xe trong thành phố rất khó khăn.


Trường hợp của chị Trần T. Lan (Kiểm toán – TP. Hồ Chí Minh): “Hôm qua trên đường đi làm, chị hơi vội nên lái xe đi khá nhanh, trong khi lái xe chị dùng điện thoại gọi nhắc chồng chị đưa con đi học. Đến đoạn đường gần trường Trường Chinh, chị suýt va vào một học sinh đang sang đường”. Chỉ một khoảnh khắc lơ là đã không nâng cao cảnh giác khi lái xe trong thành phố, mà có thể dẫn đến những tình huống nguy hiểm cho mình cũng như những người tham gia giao thông khác.
Chưa thành thạo sử dụng côn ga và phanh
Bạn Khánh đang học lái xe chia sẻ về tình huống bạn gặp phải khi lái xe trong thành phố: “Khi lái xe bạn không biết lúc nào nên đạp phanh, lúc nào nên đạp côn, và đạp phanh như thế nào để đủ an toàn và không bị chết máy?”. Đây là tình trạng chung, một số bạn đang học lái xe hoặc lái xe mới khi lái xe trong thành phố. Nhiều bạn chưa thành thục trong việc sử dụng côn ga và phanh, đôi khi đạp phanh sâu quá dẫn đến phanh đột ngột.

Để tránh được tình trạng trên, theo kinh nghiệm của một số bác tài lâu năm, người lái nên xử lý thành thục giữa côn ga và phanh. Về điều này nên học thuộc khẩu quyết “côn ra thì ga vào”. Có như vậy xe bạn sẽ không bị chết máy. Ngoài ra, lưu ý tránh phanh một cách đột ngột khi đang lưu thông trong thành phố, vì rất dễ bị xe khác “hôn” vào “đít xe”. Trong trường hợp bạn đạp phanh bị chết máy. Bạn nên giảm ga, phanh từ từ, khi xe dừng hẳn thì bạn mới đạp côn, cùng lúc đó bạn đạp phanh gạt cần số về 0, có như vậy xe của bạn sẽ không bị chết máy giữa đường.
Tìm mọi cách để thoát ra khi tắc đường
Lái xe trong thành phố rất dễ gặp phải tình tạng ùn tắc giao thông, đặc biệt trong giờ cao điểm tan tầm. Những lúc như vậy một số xe cố gắng quay đầu với hi vọng đi đường khác sẽ không bị tắc nữa. Thế nhưng lúc bạn quay đầu vô tình làm cho tình tạng ùn tắc trở nên bi đát hơn, số lượng xe ùn lại nhiều hơn, thậm chí bạn còn không thể thoát khỏi chỗ bạn đang quay đầu xe.

Chính vì thế, lái xe trong thành phố gặp lúc đường bị ùn tắc bạn nên kiên trì, nhẫn lại không nên tìm cách thoát ra. Vì như thế sẽ làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn. Trong trường hợp xe bạn vẫn nhúc nhích tiến lên một chút một được thì bạn nên duy trì khoảng cách với xe trước với khoảng cách đủ rộng để không đâm vào đít xe trước, đủ hẹp để không bị xe máy hay xe đạp lách qua.
Không giữ đúng khoảng cách giữa các xe và không chú ý đèn phanh
Khi lái xe trong thành phố, một số tay lái còn non nên chưa xác định được khoảng cách giữa xe mình và xe trước sao cho an toàn. Nhiều khi chạy gần quá xe trước rẽ sang trái hoặc phải, hoặc dừng đột ngột bạn rất dễ đâm vào đít xe của họ. Để lái xe trong thành phố khoảng cách an toàn nhất là cách xe trước khoảng từ 0,5m đến 2m. Bên cạnh đó, bạn cũng đừng quên để ý đến đèn phanh xe phía trước.

Không tuân thủ tín hiệu đèn giao thông
Không phải là bạn không thuộc luật giao thông, đặc biệt tín hiệu đèn thì bạn còn nắm rất rõ, tuy nhiên khi thấy đèn vàng còn mấy giây thôi thay vì giảm ga, đạp phanh một số bác tài lại tăng ga lên vượt đèn đỏ. Bên cạnh đó khi đi qua ngã ba, ngã tư không quan sát kĩ, hoặc đèn đỏ vừa kết thúc bạn đã cho xe lăn bánh.

Với mật độ dân cư luôn đông đúc, phương tiện tham gia đa dạng, việc bạn không dừng đèn đỏ có thể dẫn đến những tình huống gây nguy hiểm cho bạn và cho mọi người xung quanh. Khi bạn quan sát thấy đèn vàng còn một vài giây nên giảm ga và đạp phanh. Ngoài ra, khi lái xe đến ngã ba, ngã tư bạn cũng không nên đi quá nhanh cần quan sát kĩ các hướng. Bởi rất có thể bất ngờ một chiếc xe máy, hoặc xe đạp đi ngang qua đúng lúc bạn vượt qua.


Bên cạnh đó còn một điều bạn cần phải nhớ nữa đó chính là, khi đèn đỏ vừa kết thúc chuyển sang đèn xanh bạn đừng vội tăng tốc. Đây là lỗi thường gặp. “Nhanh một phút chậm một đời” vẫn là khẩu hiệu được tuyên truyền rất nhiều. Vì khi bạn tăng tốc đi luôn, quên không quan sát từ các phía rất có thể có một xe nào đó vượt đèn đỏ đi tới sẽ dẫn đến va chạm và gây tai nạn.
Không bật đèn xi nhan khi chuyển làn đường
Đang lưu thông trong nội thành, khi muốn chuyển làn đường hay chuyển hướng nhưng bạn quên không bật xi nhan xe, hoặc bật một cách đột ngột, khiến cho các phương tiện khác không kịp phản ứng, có thể dẫn đến những tai nạn không mong muốn.

Trong thực tế lỗi này rất hay xảy ra, nên khi bạn muốn chuyển làn đường hoặc đổi hướng, bạn cần quan sát xung quanh qua các gương chiếu hậu, bằng mắt thường. Xem có phương tiện tham giao thông nào gần mình hay không. Rồi sau đó hãy bật xi nhan xin chuyển làn đường hoặc chuyển hướng. Như vậy mới tránh được những tình huống xấu xảy ra cho mình cũng như những phương tiện phía sau xe bạn.
Trung Tính