Lái xe xuống dốc và đổ đèo, đòi hỏi bạn luôn phải tỉnh táo, am hiểu địa hình đường đi. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể làm được những điều đó, dẫn đến thường mắc những sai lầm thường gặp khi xuống dốc đổ đèo.
Lái xe xuống dốc, đổ đèo luôn là những thách thức không hề đơn giản đối với những lái xe, dù là lái xe con hay xe tải. Bởi nó luôn đòi hỏi người lái luôn phải có được những kĩ thuật lái điêu luyện, kinh nghiệm nhiều, cái đầu lúc nào cũng phải tỉnh. Tuy nhiên, đôi khi vẫn không tránh được việc mắc một số sai lầm khi xuống dốc, đổ đèo, gây nguy hiểm cho chính bản thân mình cũng như những người ngồi trên xe. Bài viết dưới đây tổng hợp những sai lầm thường gặp nhất khi lái xe xuống dốc đổ đèo.
Chạy xe theo quán tính
Lỗi này thường gặp ở hầu hết các xe có tải trọng nặng, và hay phải xuống dốc nhiều, đặc biệt là với những bác tài vừa vào nghề chưa có kinh nghiệm lái. Có nghĩa là, khi xe trở càng nặng, trọng lượng càng cao, tốc độ càng nhanh, quán tính của xe sẽ càng lớn. Lúc này, bạn chạy số càng cao xe sẽ chạy càng nhanh. Một số bác tài mới vào nghề không hiểu rõ được quán tính này của xe, nên cài số cao, khi thấy xe chạy nhanh, dẫn tới hoảng, rất dễ gây ra nguy hiểm cho bản thân cũng như những người ngồi trên xe.
Phanh quá nhiều
Tâm lý các bác tài mới phải đi những cung đường dài, có nhiều dốc, nhiều đèo. Theo quán tính, khi xuống dốc nhanh, tất yếu sẽ phanh, phanh nhiều dẫn đến má phanh nóng. Khi này má phanh sẽ cháy và làm mất tác dụng của phanh. Tưởng phanh nhiều là an toàn, ai ngờ đây lại là một mối nguy hiểm gây nguy hiểm cho mình.
Anh Trần N. Hùng (tài xế xe tải – Hà Giang) chia sẻ về lần lái xe chở hàng lên cửa khẩu Thanh Thủy (Hà Giang): “Lần đầu được nhận xe, khi đó có chuyến hàng anh phải chở lên cửa khẩu Thanh Thủy (Hà Giang) để giao hàng. Lần đầu đi cung đường này, dốc quanh co, đèo nhiều, khi xuống dốc theo phán đoán của mình đạp phanh xe, đạp phanh rất nhiều mà không hiểu sao xe vẫn lao vun vút, khiến mình có chút hoảng nên đã đạp phanh càng nhiều. Dẫn đến là hai má phanh xe bị cháy. Nhưng rất may lần đó lao xuống một con rãnh ở đó nên không có thiệt hại về người”.
Má phanh lâu không thay
Khi lái xe xuống dốc, đổ đèo má phanh có vai trò rất quan trọng trong việc giữ an toàn cho bạn cũng như hàng hóa có trên xe. Nhưng vì một lý do nào đó, lâu ngày bạn quên không thay má phanh, hoặc bạn có thay nhưng tại những ga ra không uy tín, họ lắp cho bạn má phanh kém chất lượng, hay má phanh dán bị lỗi. Đến khi vận hành, có tình huống bất ngờ xảy ra phanh gấp, dẫn đến tình trạng bong cả má phanh gây nguy hiểm cho bạn cũng như những người trên xe.
Vào cua không giảm tốc độ
Khi xe chuẩn bị vào cua, nên giảm tốc độ, khi bắt đầu vào cua thay vì quay vô lăng một cách nhẹ nhàng, từ từ, bạn lại quay vô lăng nhanh, đi với tốc độ cao, làm đuôi xe bị lắc khi vào cua. Nên dẫn đến một số tình huống gây nguy hiểm.
Thay đổi tốc độ đột ngột khi xuống dốc, đổ đèo
Anh Phan T. Tiến (kỹ sư – Hà Nội) tâm sự về lần lái xe đưa cả nhà đi du lịch Sa Pa vừa qua: “Theo thói quen của mình khi xe vừa hết con dốc, mình đã tăng tốc đột ngột vì nghĩ rằng khi xuống dốc rồi sẽ chuẩn bị lên một con dốc mới”. Tuy nhiên phán đoán đó của anh hoàn toàn sai với thực tế, đoạn đường đó khi xuống một con dốc nhỏ, lại tiếp tục xuống một con dốc tiếp theo, “cũng may là mình đã xử lý kịp thời nên không có chuyện gì đáng tiếc xảy ra”. Anh vừa cười vừa nói về lần thoát nạn đầy ngoạn mục của mình.
Một số lưu ý khi lái xe xuống dốc đổ đèo
Như đã nói ở trên, khi lái xe xuống dốc đổ đèo được an toàn, ngoài kĩ năng lái xe ra bạn cần biết độ dốc chính xác của con dốc, cũng như tình trạng địa lý của nó bây giờ ra sao? Địa hình cũng như lưu lượng phương tiện tham gia giao thông, qua con dốc đó có đông đúc hay không? Điều này sẽ giúp bạn có thể lựa chọn hộp số hợp lý khi xuống dốc.
Khi xuống dốc, bạn nên xuống dốc bằng ga có như vậy sẽ an toàn hơn khi bạn dùng phanh liên tục. Không may, khi lái xe xuống dốc bạn để xe trôi quá nhanh, mất tầm kiểm soát của mình, ngay lập tức bạn đạp phanh và chuyển cấn số về số thấp hơn. Điều này sẽ giúp xe chạy chậm hơn, bạn sẽ dễ dàng xử lý những biến cố xảy ra hơn.
Trước khi vào những khúc cua gấp, có tốc độ lớn, lái xe nên giảm ga và chuyển xuống cấp độ thấp để phanh động cơ kịp thời khi vào cua. Ngoài ra, bạn cũng nên thả lỏng chân ga, sau đó quay nhẹ nhàng vô lăng theo quán tính. Bạn có thể phanh nhẹ để giảm tốc độ, nhưng khi hết dốc cua thì nhẹ nhàng đệm ga và trả lái.
Khi bạn lái xe xuống dốc, gặp trời mưa đường trơn trượt hoặc có nhiều rãnh bùn, bạn nên lái xe với tốc độ vừa phải, ổn định, không đánh lái gấp, duy trì tốc độ thấp nhất có thể. Nếu có tình huống bất ngờ xảy ra, bạn sẽ dễ dàng xử lý hơn, không gây nguy hiểm cho mình cũng như xe.
Trên đây là một số chia sẻ kinh nghiệm từ những bác tài lâu năm. Mong rằng qua bài tổng hợp này sẽ giúp bạn có thêm được những kĩ năng lái xe an toàn, khi xuống dốc đổ đèo. Chúc các bạn lái xe an toàn.
Mai Phương