Theo các chuyên gia kinh nghiệm mua bán xe, trước khi đặt bút ký kết hợp đồng mua xe với đại lý, người mua cần xác định rõ những yếu tố quan trọng trong hợp đồng để đảm bảo quyền lợi cá nhân và tránh mất thời gian. Dưới đây, chúng tôi đề cập tới 4 yếu tố, bao gồm giá xe, đời xe – năm sản xuất xe, hình thức xe và thời gian giao xe.
1. Giá xe ô tô
Tùy vào thời điểm, mức giá bán xe sẽ thay đổi theo chương trình khuyến mãi hoặc ưu đãi riêng từng đại lý. Khi chốt được mức giá hấp dẫn và đồng ý đi đến ký kết hợp đồng mua xe với đại lý, khách hàng cần chắc rằng mức giá này sẽ có hiệu lực tới khi ngày hợp đồng ký kết và có phụ thuộc vào thời hạn thanh toán chi phí mua xe hay không.
Chẳng hạn, khách hàng chốt mua xe và đặt cọc vào 20/08/2020 những muốn lấy xe vào 05/09/2020. Nhưng mức giá ưu đãi đã chốt chỉ có hiệu lực hết tháng 08/2020 theo chương trình của hãng. Do đó, để tráng tình trạng mập mờ về giá cả, đại lý và khách hàng cần có những thống nhất rõ ràng để có lợi cho cả 2 bên.
Ngoài ra, một số đại lý cũng sẽ “kênh” giá bằng cách khuyến khích khách hàng mua thêm phụ kiện để nhận xe sớm. Việc này hầu hết xảy ra với xe mới ra mắt thuộc diện nhập khẩu bởi nguồn cung ứng cho thị trường không đủ. Với trường hợp này, khách hàng cần kiểm tra xem liệu đây có phải là chính sách của hãng hay chỉ là chiêu bán hàng của đại lý.
Ví dụ gần đây nhất có thể kể đến là mẫu xe Toyota Corolla Cross 2020 mới ra mắt vào đầu tháng 08/2020. Cụ thể, vài khách hàng mua xe đã phản ánh rằng khi mua xe tại một số đại lý, nếu muốn được giao xe sớm thì phải mua bộ phụ kiện trị giá 30 – 50 triệu đồng. Mặc dù bộ phụ kiện đều khá có ích nhưng hầu hết người tiêu dùng đều muốn mua xe đúng giá và chọn lắp phụ kiện theo nhu cầu riêng.
Toyota Corolla Cross 2020 mới ra mắt đầu tháng 08/2020. (Ảnh: Ngô Minh)
2. Đời xe – Năm sản xuất xe
Hiện nay, với những xe ra mắt vào khoảng cuối năm thì hãng thường để tên model năm tiếp theo (Ví dụ: Honda Accord mới ra mắt tại Triển lãm Ô tô Việt Nam vào tháng 10/2019 nhưng được gọi là model 2020 – Honda Accord 2020).
Bất cứ khách hàng nào khi có nhu cầu mua xe ô tô mới thì đều muốn sở hữu một chiếc xe đời mới và sản xuất mới cùng năm. Đôi khi đại lý sẽ tìm cách đẩy hàng tồn bằng cách bán cho khách những lại được sản xuất năm trước dù vẫn là đời mới.
Honda Accord 2020 ra mắt vào tháng 10/2019 tại VMS 2019. (Ảnh: Ngô Minh)
Chẳng hạn, khách hàng chọn mua một chiếc Toyota Wigo 2020 vào dịp gần Tết Âm lịch (tức đã bước sang năm 2020 nếu tính theo Dương lịch). Thay vì bán cho khách xe sản xuất đầu năm 2020 thì đại lý có thể giao xe sản xuất năm 2019 dù cùng đời xe 2020.
Trong khi đó, thực tế, các xe sản xuất năm trước thường được đại lý áp dụng nhiều chính sách ưu đãi hơn để xả hàng tồn. Do đó, khi xem xét hợp đồng, người mua không chỉ cần chú ý đến đời xe mà còn là năm sản xuất xe để chắc chắn số tiền mình bỏ ra là xứng đáng.
3. Hình thức xe
Ngày nay, các nhà sản xuất xe hơi cung cấp cho khách hàng khá nhiều lựa chọn màu ngoại thất và nội thất xe. Tuy nhiên, các màu sắc không chỉ đơn giản là Trắng, Đen, Nâu, Xanh,… mà còn có tên gọi hoặc mã màu riêng biệt.
Chẳng hạn, đối với mẫu xe đô thị cỡ nhỏ Kia Morning, khách Việt có tới 9 lựa chọn màu ngoại thất, trong đó có 2 màu Vàng (Vàng B2Y và Vàng 3V), 2 màu Đỏ (Đỏ SR5 và Đỏ A2R) và 3 màu Xanh (Xanh ABB, Xanh L2E và Xanh BBL). Nếu đề mục Màu sắc trong hợp đồng chỉ ghi Xanh hoặc Đỏ hoặc Vàng thì rất có thể xảy ra nhầm lẫn trong quá trình lấy xe trao cho khách hàng.
Vì vậy, trong hợp đồng mua xe, khách hàng cũng cần xem kỹ đề mục màu sắc xe, nếu có thể thì nên ghi rõ tên màu xe có trong e-brochure của hãng để tránh trường hợp nhận nhầm màu và tốn thời gian chờ đợi khi cần đổi lại màu xe.
Bảng màu ngoại thất xe Kia Morning 2020 hiện hành. (Ảnh: Kia Việt Nam)
4. Thời gian giao xe
Với những mẫu xe lắp ráp trong nước thì thời gian giao xe sau khi chốt hợp đồng mua bán giữa đại lý và khách hàng là khá nhanh bởi xe có sẵn. Với những mẫu xe nhập khẩu, nhất là xe mới ra mắt, các nhà phân phối không chủ động về nguồn cung nên thời gian giao xe cho khách hàng thường xe lâu hơn, từ 30 – 45 ngày.
Tuy nhiên, cũng đã có nhiều trường hợp khách hàng đặt cọc xe nhưng phải chờ đến mấy tháng mới được lấy xe, thậm chí không chờ được nên phải rút cọc do hãng không đủ xe giao. Điển hình là mẫu MPV Suzuki Ertiga 2019 từng ra mắt vào tháng 06/2019 và nhận được hơn 3000 đơn đặt cọc trong 1 tháng nhưng do đợi quá lâu, đã có rất nhiều khách hàng rút cọc và chuyển sang mua xe khác.
Như vậy, khi chốt hợp đồng và đặt cọc mua xe, khách hàng cần thống nhất và đại lý cần thống nhất thời gian giao xe cụ thể và phương án giải quyết khi giao xe chậm. Trong trường hợp đại lý không xác định được ngày cụ thể thì khách hàng có thể “giành” phần chủ động bằng cách đưa ra các đàm phán khác như có thể rút cọc khi đặt xe lâu chưa được lấy.
Suzuki Ertiga 2019 từng nhận được hơn 3000 đơn đặt cọc trong vòng 1 tháng. (Ảnh: Ngô Minh)
5. Thời hạn bảo hành xe
Thời hạn bảo hành xe là thông tin mà chủ xe đặc biệt cần ghi nhớ bởi đây là quyền lợi được hưởng khi mua xe từ hãng. Thông thường, thời hạn bảo hành xe sẽ từ 3 – 5 năm, tùy hãng và các hạng mục bảo hành cũng được nêu rõ trong hợp đồng.
Đồng thời, hợp đồng cũng sẽ ghi rõ nếu xe vẫn trong thời gian bảo hành mà được sửa chữa ở một đơn vị tư nhân khác không thuộc hệ thống đại lý ủy quyền của hãng thì được coi là vi phạm hợp đồng và có thể gây một số rắc rối không cần thiết.
Trong khi đó, trong quá trình sử dụng, nếu xe gặp trục trặc mà vẫn thuộc thời hạn bảo hành, khách hàng có thể mang xe tới các đại lý ủy quyền để yêu cầu bảo hành theo hạng mục.