1. Tìm hiểu xe trước khi mua
Trước khi đi đến showroom bạn phải xác định được mẫu ô tô mình lựa chọn, do đó bạn phải tìm hiểu thông tin về hãng xe, dòng xe, ngoại thất, nội thất, động cơ, tiện ích, màu sắc và giá bán của xe.
Hãy thử nghĩ, nếu bạn không xác định được sở thích nhắm tới mẫu xe nào, màu sắc, các thông số kỹ thuật ra sao? Bạn dễ bị nhân viên bán hàng tư vấn sang những mẫu xe đắt tiền hơn hoặc những mẫu xe đang ế ẩm của đại lý.
Tuy nhiên, cũng có nhiều nhân viên bán ô tô có tâm với nghề, tư vấn đúng mẫu xe theo nhu cầu của bạn nhưng trong một khoảng thời gian nhất định, họ không thể nói rõ với bạn tất cả thông số chi tiết về các mẫu xe.
Hơn nữa, nếu bạn hiểu biết thông tin về mẫu xe, thể hiện bạn là người có trình độ sẽ có lợi cho bạn khi đàm phán giá, đại lý xe khó mà “làm giá” với bạn.
2. Làm việc trực tiếp với quản lý đại lý
Nhân viên bán xe tại các đại lý thường lôi kéo, tư vấn lòng vòng khi biết khách hàng có ý định sắm một chiếc ô tô. Bạn nên bỏ qua nhân viên bán xe, thay vào đó yêu cầu gặp gỡ quản lý, đi thẳng vào vấn đề chiếc xe cần mua, cũng như các thông tin ưu đãi, khuyến mãi kèm theo và thời gian bàn giao xe.
Điều này giúp bạn tiết kiệm được thời gian, đồng thời không bị phân tâm bởi nhân viên tư vấn. Và dĩ nhiên, bạn cũng không sợ phải bỏ thêm hầu bao không cần thiết khi bị dụ mua một chiếc ô tô có giá cao hơn mà động cơ, tiện ích không có nhiều khác biệt so với chiếc xe bạn dự định.
3. Không mua thêm các gói bảo hành, bảo dưỡng bổ sung
Thông thường, khi mua một ô tô mới đã có các gói bảo dưỡng, bảo hành cơ bản kèm theo xe. Tuy nhiên, các đại lý vẫn tư vấn khách hàng mua thêm các gói bảo dưỡng, bảo hành, bảo trì bổ sung với các ưu đãi chăm sóc xe vượt trội.
Và điều này nghe có vẻ hợp lý, dù các gói chăm sóc xe bổ sung có tốt hơn so với các gói cơ bản đi kèm xe nhưng sự thực đây chính là cách mà các đại lý móc hầu bao của bạn. Sự thật lợi nhuận của các đại lý xe hơi thường đến từ các gói chăm sóc xe bổ sung này. Trung bình bạn bị móc thêm hầu bao từ 2.000 – 5.000 USD khi mắc mưu nhân viên tư vấn.
4. Không cài đặt thêm các tiện ích bổ sung trên xe
Bên cạnh việc dụ khách hàng mua thêm các gói chăm sóc xe bổ sung với giá cao, nhân viên đại lý bán xe còn có cách khác dụ dỗ bạn bỏ thêm tiền cài đặt các tiện ích bổ sung như: Bluetooth, mui xe đóng tự động hoặc “ghế lạnh”, “vô lăng ấm áp”, …thường thì các tiện ích này rất đắt tiền.
Nếu không đủ tỉnh táo trước lời đường mật của nhân viên tư vấn, bạn dễ mắc lừa với số tiền bỏ ra không nhỏ cho các tiện ích bổ sung không thực sự cần thiết.
5. Không tiết lộ số tiền dự định mua ô tô
Trong khi tư vấn các mẫu ô tô cho bạn, nhân viên bán xe hơi sẽ hỏi bạn những câu chuyện ngoài lề ví dụ: Thu nhập một tháng của bạn bao nhiêu? Bạn dự định mua xe bao nhiêu tiền? Bạn chi bao nhiêu ngân sách cho mua xe?
Mục đích của những câu hỏi là để dò thông tin tài chính của bạn, từ đó họ sẽ lôi kéo bạn vào những chiếc xe nhiều tiền hơn hoặc dụ bạn mua các gói chăm sóc xe bổ sung, cài đặt các tiện ích đắt tiền..
Cách tốt nhất để đối phó với những câu hỏi dạng này là bạn nên giữ kín số tiền dự tính cho mua ô tô, đồng thời hỏi nhân viên về các thông số kỹ thuật, giá cơ bản của các mẫu xe để lựa chọn theo ngân sách.