Rất nhiều người lái ô tô thường mắc sai lầm khi dừng đỗ mà không hề hay biết. Các sai lầm này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khó lường.
Quên sử dụng phanh tay
Không như phanh chân được dùng khi xe chạy, phanh tay được thiết kế để kích hoạt lúc xe nghỉ. Phanh tay khóa xe ô tô, bảo đảm xe vẫn đúng vị trí, giúp xe không bị trôi lúc dừng đỗ. Với những xe đời trước dùng số sàn và ít được hỗ trợ những công nghệ an toàn hiện đại như ngày nay, phanh tay còn giúp xe khởi hành ngang dốc.
Theo kinh nghiệm trong những lỗi dừng đỗ ô tô là quên sử dụng phanh tay. Đây cũng chính là top đầu những nguyên nhân gây tai nạn ở xe 4 bánh. Cho nên, dùng phanh tay là bắt buộc khi dừng, đỗ xe ở những địa hình đồi dốc. Một số khu vực cho phép dừng đỗ xe thậm chí còn lưu ý người sử dụng phương tiện sử dụng phanh tay khi thực hiện thao tác.

Đừng quên hạ phanh tay khi đỗ xe
Lưu ý, đối với xe số tự động, hãy để cần số ở vị trí P. Lúc này, chốt hãm sẽ cài vào hộp số nhằm khóa lại các bánh răng. Nhiều người sử dụng xe chủ quan khi dừng đỗ trên đường dốc chỉ bằng chế độ P bỏ qua bước kéo phanh tay. Toàn bộ khối lượng xe sẽ áp tập trung lực vào chốt hãm của hộp số. Nếu lúc dừng đỗ, xe bất ngờ chịu một tác động mạnh, hộp số rất có thể sẽ bị hỏng hóc. Nếu trong trường hợp phanh tay được kích hoạt thêm vào trước đó, phanh tay sẽ bảo vệ hộp số trong trường hợp tác động như vậy. Cho nên, quy trình dừng đỗ an toàn nhất sẽ là: đạp phanh chân, kéo thắng tay rồi về số P.
Xem thêm Có nên về số P trước khi phanh tay không
Không quan sát khi mở cửa xe
Tiếc thay, đây lại là một trong những sai lầm gây tai nạn rất thảm khốc cho những người đi đường mà báo chí Việt Nam đã từng thông tin. Mở cửa xe đột ngột và thiếu quan sát khi dừng đỗ xe là một trong những lỗi phổ biến. Khi cần ra khỏi xe sau khi đã thực hiện việc dừng đỗ đúng nguyên tắc ở trên hoặc cần vào trong xe, bạn phải quan sát trước và sau thật kỹ càng. Phải đảm bảo rằng lúc mở cửa xe, không ai đang lưu thông gần phương tiện của mình.
Nguyên tắc nên nhớ: Mở xe cần từ từ và vẫn quan sát lúc mở, đề phòng có phương tiện phóng nhanh đột ngột ngang mình để còn kịp xử lý. Lưu ý, việc giữ an toàn khi mở cửa xe này áp dụng cho cả người điều khiển phương tiện lẫn khách ngồi hàng ghế sau. Có một phương pháp mở cửa xe được phương Tây áp dụng, nghe hơi lạ nhưng ngẫm thấy rất hợp lý và hợp tình. Đó là phương pháp Dutch Reach. Mô tả như sau: Người ngồi trong xe, bất luận là người điều khiển hay khách ở phía ghế sau, khi có ý định mở cửa xe, thay vì mở bằng tay gần cửa xe (tức tay trái), hãy dùng cánh tay bên kia (tức tay phải) để mở cửa.

Phương pháp Dutch Reach
Lý giải cho việc này: Đầu tiên, khi xoay người để mở cửa, người mở có thể quan sát được tốt hơn phía sau mình. Ngoài ra, khi người mở dùng cánh tay xa cửa, do tầm với không được rộng nên cửa chỉ mở hé. Nếu có việc bất thường xảy ra ngay thời điểm đó, mức độ rủi ro sẽ thấp và người mở cũng có thể xoay chuyển tình thế bằng cách khép nhanh cửa được dễ dàng. Lưu ý, gương chiếu hậu với tác vụ này là thiết bị cốt lõi. Hãy bảo đảm nó hoạt động tốt và đủ tầm bao quát.
Tấp/rẽ vào lề đột ngột để dừng/đỗ xe
Lỗi này còn gọi là “chuyển hướng đột ngột”. Sai lầm này phổ biến đến mức nó cũng nằm trong top đầu nguyên nhân gây tai nạn bởi xe 4 bánh theo thống kê tại Việt Nam. Thường thì khi đó, xe sau rất dễ đâm vào đuôi xe của người đang điều khiển do họ khó có thể xử lý kịp tình huống bất ngờ.

Tuyệt đối không tấp/rẽ đột ngột
Theo kinh nghiệm dừng đỗ ô tô không bị phạt cũng như đảm bảo an toàn, trước khi tiến hành dừng đỗ, người lái cần đánh giá tình trạng giao thông thời điểm muốn rẽ. Tính toán trước vị trí cần dừng đỗ trước khi bật xi nhan xin rẽ. Từ từ khép lề trong khi vẫn quan sát thật tốt phía sau, đảm bảo khoảng cách an toàn cho xe phía sau xử lý. Tuyệt đối không tranh vượt mà ép lề xe khác (thường là xe 2 bánh) vì trong trường hợp đó xác suất gây tai nạn là rất cao. Một lưu ý nữa, quan sát không rẽ đỗ vào những vị trí có biển cấm dừng ô tô.
Đỗ xe dưới trời nắng
Một thí nghiệm nhỏ đã được thực hiện: để ô tô phơi dưới trời nắng 40 độ C trong tình trạng tắt máy, đóng kín cửa. Sau 30 phút, đo nhiệt độ bên trong, lúc này, chỉ số nhiệt độ trong xe qua nhiệt kế là 60 độ C. Kidsandcars, một tổ chức thống kê về mức độ an toàn của trẻ em trong điều kiện lưu thông bằng xe ô tô, đã tập hợp thống kê và cho biết đã có 83 trường hợp trẻ em tử vong trong điều kiện “nhốt” quá lâu trong xe trong thời tiết nắng nóng. Nên nhớ, thân nhiệt trẻ em tăng nhanh gấp 5 lần người lớn trong cùng một điều kiện nhiệt độ. Thực trạng hiện nay, nhiều bậc phụ huynh quên hoặc chủ quan về tình trạng con của họ đang ngồi ghế sau khi họ dừng đỗ và xuống xe một mình.

Đỗ xe dưới nắng tiềm ẩn nhiều rủi ro không thể thấy hết
Một lưu ý khác về tình trạng để xe ô tô quá lâu dưới nắng. Trong điều kiện nhiệt độ cao, nhựa, cao su và dung môi các loại bên trong xe hóa hơi. Núm điều chỉnh điều hòa, phanh chân, nút điều khiển ghế,… cũng như những bộ phận sử dụng dầu nhờn bôi trơn sẽ hoạt động kém hiệu suất. Tình trạng kẹt, khó hoặc vô tác dụng sẽ diễn ra. Xe vận hành sau đó sẽ gặp rủi ro lớn khi hoạt động trong tình trạng kém hiệu suất như vậy.
Ngoài ra, các hiện tượng khác có thể xảy ra sau đó như gioăng cao su ở cửa lão hóa nhanh sẽ dẫn đến tình trạng cách nhiệt, cách âm kém. Ắc quy cũng dễ hỏng sớm khi gặp tình trạng quá nhiệt, ống dẫn khí, nước làm mát bị hư hại, lốp xe bị tăng áp suất, lớp sơn xe nhanh phai màu… Do đó, nếu đỗ xe dưới trời nắng, người lái nên chủ động sử dụng các giải pháp chống nóng ô tô.
Giải pháp khắc phục:
- Dán phim cách nhiệt toàn thân xe, trang bị tấm chắn nắng phản quang, trùm xe.
- Tạo độ thông gió cho xe khi đỗ bằng cách hạ kính khoảng 1cm ở mỗi cửa.
- Không để các vật dụng cháy nổ trong xe.
- Bảo trì định kỳ lốp xe, kiểm tra dầu máy, dầu hộp số… Dọn rửa xe thường xuyên.
Hi vọng, với chia sẻ trên từ các chuyên gia tư vấn, bạn sẽ tránh được những sai lầm đáng tiếc đã nêu và luôn có chuyến hành trình an toàn cho bản thân, người ngồi trên xe và những người tham gia giao thông xung quanh.
Minh Dũng