1.Tư thế ngồi
Điều chỉnh tư thế ngồi: Đặt toàn bộ thân hình ôm sát ghế ngồi. Tuyệt đối không được để khoảng cách, tránh tình trạng mệt mỏi, đau lưng khi di chuyển đường dài.
Điều chỉnh khoảng cách ngồi: Điều chỉnh vị trí ghế phù hợp với chiều dài chân của bạn, không được để chân duỗi thẳng khi lái xe và không để đầu gối cọ sát tác động vào bất cứ vật gì trên xe.
Vị trí chân ga: Chân trái luôn giữ chân côn (nếu có), chân phải giữ chân ga. Khi muốn chuyển từ chân ga sang chân phanh, không được nhấc cả chân lên, mà phải dùng thao tác xoay cổ chân hình chữ V, gót chân phải luôn luôn giữ tại một vị trí.
Điều chỉnh vô-lăng:
– Điều chỉnh chiều cao vô-lăng sao cho mặt vô-lăng song song với mắt người lái, đồng thời không được để vô-lăng che khuất bảng đồng hồ hiển thị. Nên đặt tay lái ở góc 9 giờ và góc 3 giờ, tay trái (hoặc phải) luôn giữ ở vị trí còi.
– Khoảng cách vô-lăng phù hợp nhất là 25-30 cm (10 inches) so với vai người lái. Đồng thời để góc tay tài xế khoảng 120 độ.
– Nên dùng lực tay kéo để đánh lái vô-lăng khi di chuyển. Không nên dùng lực tay để đẩy hoàn toàn. Ví dụ: muốn đánh lái sang phải, nên dùng tay phải kéo vô-lăng, đồng thời dùng tay trái phụ trợ lực đẩy. Sử dụng cách này, tài xế không bị hao tổn sức lực khi phải đánh lái liên tục.
Điều chỉnh chiều cao ghế sao cho tài xế có tầm nhìn thoáng nhất. Dùng một vật nhỏ đặt trước đầu xe cách khoảng 5 m, người lái phải thấy rõ vị trí vật đó từ vị trí ghế ngồi.
2.Điều chỉnh gương chiếu hậu
Nên chỉnh gương chiếu hậu phải sao cho có thể bao quát khoảng ¾ về bên phải và ¼ vào thân xe.
Chỉnh gương chiếu hậu trái sao cho có thể bao quát khoảng ¾ về bên trái và ¼ vào thân xe.
Điều chỉnh gương chiếu hậu giữa sao cho có thể bao quát toàn bộ được gương phía sau xe.
Nên trang bị thêm gương cầu lồi xóa điểm mù.
3.Ghi nhớ các cần điều khiển, công tắc thiết bị trong ô tô
Nên dành thời gian để ghi nhớ các cần điều khiển như xy-nhan, gạt mưa, phun nước, công tắc đèn…
4.Chạy đúng làn đường
Hãy thường xuyên chú ý bảng hiệu phân chia làn đường. Việc này rất quan trọng khi tham gia lưu thông, vì chúng ta thường gặp các làn ưu tiên dành cho ô tô rẽ trái (hoặc phải). Với các tuyến đường có từ 3 làn đường dành cho xe ô tô trở lên, thì đa phần sẽ có cột đèn tín hiệu dành riêng cho phương tiện rẽ trái. Khi gặp tình huống này, nếu chúng ta muốn đi thẳng, thì phải đi vào làn giữa (làn hỗn hợp). Ví dụ: đoạn từ Bến xe Miền Đông giao với đường Nguyễn Xí, làn trong cùng bên trái là làn ưu tiên dành cho ô tô rẽ trái.
5.Chuyển làn phải bật đèn tín hiệu
Việc chuyển làn không bật đèn tín hiệu rất nguy hiểm khi tham gia lưu thông, đặc biệt là trên đường cao tốc. Nên bật đèn tín hiệu trước 3 giây, giữ khoảng cách an toàn, quan sát xung quanh rồi mới bắt đầu cho xe chuyển làn.
6.Không vượt phải
Không được vượt bên tay phải với bất kỳ trường hợp nào (trừ trường hợp có xe đang rẽ trái hay xe cầu đường đang sửa chữa), không vượt ở ngã ba, ngã tư. Cách tốt nhất khi muốn vượt là nên nháy đèn, hoặc bấm còi xin vượt.
7.Tốc độ xe
Ngồi trong khoang cabin rất khó cảm nhận được tốc độ khi lái xe, nên rất dễ bị quá tốc độ. Lái xe nên lưu ý bảng hiệu cảnh báo tốc độ. Ví dụ, trong đô thị không được vượt quá 60 km/h, ngoài đô thị không được quá 80 km/h, trên cao tốc không quá 120 km/h (tùy đoạn đường phân chia tốc độ).
Các tuyến đường quốc lộ thường chia tốc độ khác nhau theo làn đường. Cụ thể, với đoạn có 3 làn đường dành cho ô tô: làn trái trong cùng là 70 km/h, làn giữa 60 km/h, làm phải trong cùng 50-60 km/h.
8.Giữ khoảng cách an toàn
Nên giữ khoảng cách ít nhất 30m trong đô thị (60 km/h), 50m ngoài đô thị (80 km/h) và 90m trên cao tốc (120 km/h).
9.Không vượt đèn vàng
Lái xe mới nên lưu ý không được vượt đèn vàng. Việc vượt đèn vàng tiềm ẩn nhiều rủi ro khó tránh. Vượt đèn vàng còn bị xử phạt hành chính tại Điều 10, Quy chuẩn số 41:2016/BGTVT.
10.Không sử dụng điện thoại, bật nhạc quá lớn
Không sử dụng điện thoại khi đang lưu thông, vì sẽ dẫn đến sự mất tập trung, cũng như dễ gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Không bật nhạc quá lớn, vì cũng làm lái xe mất tập trung, không thể nghe thấy những âm thanh bên ngoài…