Đến khi EV thống lĩnh thị trường, chúng ta sẽ buộc phải chuyển sang loại xe này thay vì xe hơi sử dụng động cơ đốt trong ICE. Nhưng với những khác biệt mang tính đặc thù, quá trình lựa chọn và mua EV cũng sẽ đi kèm với nhiều thứ mới mẻ. Để từ đó, chúng ta mới tìm ra được model phù hợp nhất dành cho mình. Dưới đây là 10 câu hỏi bạn cần đặt ra cho chính bản thân trước khi chính thức tậu về nhà một chiếc xe điện.
1. Tầm hoạt động bao nhiêu là đủ?
Ngày nay, phạm vi di chuyển của xe điện đã được cải thiện đáng kể và nhìn chung là đã vượt qua ngưỡng 200 dặm (320km). Tuy nhiên, điều cốt yếu nhất vẫn là nhu cầu sử dụng hàng ngày của bạn cũng như những chuyến đi dài vào cuối tuần. Nếu chủ yếu đi lại trong thành phố, có thể khẳng định là EV hiện nay hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu của bạn. Còn nếu hay đi xa, bạn sẽ phải cân nhắc nhiều hơn. Bạn cũng phải nhớ rằng tầm hoạt động của xe điện sẽ bị giảm sút đáng kể trong điều kiện giá lạnh.
2. Mình thực sự cần những gì ở một chiếc xe?
Không chỉ riêng xe điện, câu hỏi này cũng cần được đặt ra khi bạn mua một chiếc xe thông thường. Tùy vào nhu cầu của mình mà bạn sẽ thực hiện các nghiên cứu để tìm ra phương án hợp lý nhất. Có thể xét đến các yếu tố như không gian, số người đi cùng trên xe, loại địa hình, kiểu dáng hay ngân sách.
3. Mình nên thuê hay mua?
Ở các nước châu Âu hay Mỹ, thuê xe từ đại lý là một hình thức rất phổ biến. Theo trang MyEV, một nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng có gần 80% hợp đồng sở hữu xe điện là dạng thuê. Tất nhiên, phương án nào cũng có mặt lợi, hại riêng. Vì vậy, hãy căn cứ vào tình hình tài chính cũng như nhu cầu sử dụng của bạn để đưa ra giải pháp phù hợp nhất.
4. Mình sẽ sạc ở đâu và như thế nào?
Bên cạnh các hộp sạc tại nhà hay văn phòng làm việc, người dùng EV có thể tìm tới các trạm sạc công cộng. Ở Việt Nam, đây là một khái niệm vẫn còn rất mới mẻ. Nhưng đối với các quốc gia đẩy mạnh phát triển xe điện, các hệ thống trạm sạc đang nở rộ như ‘nấm sau mưa’. Tất nhiên là người dùng phải trả phí.
5. Liệu các trạm sạc có ở gần khu vực của mình?
Tại Mỹ, đang có một số trang web chuyên cung cấp vị trí các trạm sạc dành cho xe điện. Bên cạnh đó, các hệ thống sạc như ChargePoint hay EVgo còn đi kèm các ứng dụng bản đồ cho biết địa điểm cũng như loại sạc mà các trạm này hỗ trợ. Đây là một mô hình mà trong tương lai, các công ty ở Việt Nam nên học hỏi.
6. Liệu có chính sách hỗ trợ dành cho EV?
Ở nhiều quốc gia, xe điện đã được đưa vào diện khuyến khích sử dụng. Biểu hiện cụ thể cho chủ trương này chính là những ưu đãi về thuế suất. Còn tại Việt Nam, bộ tài chính cũng đang đề xuất đưa xe điện lắp ráp trong nước vào diện hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện.
7. Pin xe điện có thể trụ được bao lâu?
Giống như mọi sản phẩm khác chạy bằng điện, EV cũng sẽ gặp các vấn đề liên quan đến pin. Hiện nay, nhiều nhà sản xuất đang thực hiện các chương trình bảo hành có thời hạn khá dài đối với pin xe điện. Hoặc theo thời gian, hoặc theo quãng đường di chuyển. Một số hãng xe sẵn sàng thay pin nếu dung lượng của chúng bị giảm xuống một mức nào đó, tất nhiên là vẫn trong điều kiện bảo hành. Một số khác thì chỉ đồng ý thay pin khi chúng hỏng hoàn toàn. Nhìn chung là bạn cũng không phải quá lo lắng về tuổi thọ của những khối pin.
8. Mức phí bảo hiểm của xe điện là bao nhiêu?
Theo một nghiên cứu mới được thực hiện, EV có mức phí bảo hiểm cao hơn xe thông thường. Nguyên nhân không phải vì chúng kém bền hay thiếu an toàn. Chỉ đơn giản là vì nếu xảy ra va chạm, chi phí sửa chữa có thể sẽ cao hơn, nhất là khi liên quan đến những khối pin vốn chiếm một phần lớn trong giá thành của xe điện.
9. Có cần dự phòng một chiếc xe hơi truyền thống?
Đối với những chuyến đi đường trường, xe hơi truyền thống vẫn tỏ ra ưu việt hơn khi thời gian tái nạp nhiên liệu là ngắn hơn nhiều. Nhưng tất nhiên là luôn có giải pháp. Nếu không muốn tốn kém khi phải dự phòng một chiếc ICE trong ga-ra, bạn có thể tìm đến các công ty cho thuê xe. Và trong tương lai, với sự phát triển của công nghệ, EV có thể chạy liên tục cả tháng trời, giống như model Lightyear One đang được hoàn thiện.
10. Nên mua xe mới hay xe cũ?
Xe mới luôn đi kèm với sự yên tâm khi được bảo hành từ nhà sản xuất. Ngược lại, xe cũ nhìn chung là không có được điều này, ngoại trừ việc bạn may mắn mua được xe đã qua sử dụng nhưng vẫn còn hạn bảo hành. Ngoài ra, xe cũ cũng có thể gặp phải những sự cố rất khó để phát hiện trong khi phạm vi di chuyển tối đa bị giảm sút. Nhưng bù lại, số tiền bạn phải bỏ ra là ít hơn hẳn.