Thời hạn đối với giấy phép lái xe hạng D là 5 năm kể từ ngày được cấp. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn.
Giấy phép lái xe hạng D cấp cho người lái xe ôtô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi và các loại xe quy định cho các giấy phép lái xe hạng B1, B2, C.
Theo đó, người lái xe phải đáp ứng yêu cầu về độ tuổi quy định tại Luật Giao thông đường bộ, cụ thể như sau:
– Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3;
– Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ôtô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ôtô chở người đến 9 chỗ ngồi;
– Người đủ 21 tuổi trở lên được lái xe ôtô tải, máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên; lái xe hạng B2 kéo rơ moóc;
– Người đủ 24 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi; lái xe hạng C kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc;
– Người đủ 27 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi; lái xe hạng D kéo rơ moóc;
– Tuổi tối đa của người lái xe ôtô chở người trên 30 chỗ ngồi là 50 tuổi đối với nữ và 55 tuổi đối với nam.
Bên cạnh đó, người lái xe phải có sức khỏe phù hợp với loại xe, công dụng của xe. Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ôtô và quy định về cơ sở y tế khám sức khoẻ của người lái xe.
Ngoài ra, theo khoản 4 Điều 17 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, Giấy phép lái xe hạng C, D, E, FB2, FC, FD, FE có thời hạn 05 năm, kể từ ngày cấp.
Như vậy, căn cứ vào các quy định nêu trên, người đủ 24 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người từ 10 – 30 chỗ ngồi (hạng D) và không có quy định về độ tuổi tối đa được cấp bằng lái xe hạng D.
Theo đó, quy định chỉ giới hạn độ tuổi tối đa của người lái xe ôtô chở người trên 30 chỗ ngồi (tương đương với giấy phép lái xe hạng E) nên 60 tuổi vẫn đủ điều kiện lái xe hạng D.